Dịch lý Y lý

TỰA           Y học thế giới có nhiệm vụ cao cả là cứu con người ra khỏi bệnh tật. Trong đó, nền Y học Đông phương có sự đóng góp rất quan trọng.Nền Y học Đông phương dựa vào lý luận kinh điển có h...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Dịch lý Y lý

TỰA

           

Y học thế giới có nhiệm vụ cao cả là cứu con người ra khỏi bệnh tật. Trong đó, nền Y học Đông phương có sự đóng góp rất quan trọng.

Nền Y học Đông phương dựa vào lý luận kinh điển có hàng mấy ngàn năm trước là chính, gồm những tác phẩm:

 

DỊCH LÝ và Y LÝ

 

Nội kinh

(Linh khu)

Nội kinh

(Tố vấn)

Nội kinh

(Nan kinh)

Thương hàn luận

Kim quỹ yếu lược

 

Sơ đồ trên đây là bức tranh cơ bản đưa chúng ta vào con đường Đông phương học, nhất là Đông Y học.

Con đường này đã được vạch ra từ hơn 2.000 năm trước đây ở Trung Quốc và đã được chứng minh qua lý luận và thực tiễn lâm sàng: Từ Linh khu, Tố vấn, Nan kinh, Thương hàn luận, Kim quỹ yếu lược rồi đến Y học nhập môn, Y tông kim giám, Thọ thế bảo nguyên, Hải thượng Y tông tâm lĩnh, Ngư tiều y thuật vấn đáp

Kinh Dịch, quyển sách đứng đầu trong các tác phẩm nói trên, đồng thời cũng là quyển sách được ứng dụng nhiều mặt như Nho, Y, Lý, Số… Riêng ở các nước Tây phương có nền khoa học - kỹ thuật tiến bộ nhất như Đức, Mỹ, Pháp… cũng đã nghiên cứu Kinh Dịch từ lâu và cũng đã có những thành tựu lớn về Toán, Vật lý…

Trong Y học Đông phương, bất cứ tác phẩm nào cũng đều có những lời lẽ thật trang trọng về vai trò chỉ đạo của Kinh Dịch.

Trong lời TỰA, sách Hải thượng Y tông tâm lĩnh, sau khi ca tụng “ngày xuân đầm ấm, trời đất vui vẻ, gió xuân phơi phới”… cụ Lê Hữu Trác đã nhấn mạnh:

Muốn nói chuyện vui nghe khách đến,

Vừa khi thích rượu thấy hoa cười.

… Kinh Dịch nói: Nhờ sự chung đúc, sinh thành của trời đất mà muôn vật được phát triển (tư thỉ, tư sinh). Thế thì muôn vật sở dĩ thành ra “Tính” không phải là không có căn do. Thực là cái vô tình nẩy ra cái hữu tình.

Ở phần cuối, cụ kết luận: “… Nghệ thuật làm thuốc cũng ở trong nghiệp nhà Nho”.           

Cụ Lê Hữu Trác lại nói: “Hiền triết đời xưa có nói: Học Kinh Dịch đã, rồi mới có thể nói tới việc học thuốc”.

Cụ nói tiếp:

“Vì đạo lý của nghề Y có liên quan đến Dịch lý…”

“Kinh Dịch có chép: Hay lắm thay. Đạo nguyên của quẻ Khôn, vạn vật nhờ đó mà sinh dục…”

“Tôi là người học Nho, quyết chí theo nghề Y”.

“Không hiểu về Trời - Đất - Người cũng không thể nói đến chuyện Nho. Không thông hiểu về Trời - Đất - Người, không thể nói đến chuyện làm thuốc. Lại nói: Học Kinh Dịch đã, rồi sau mới nói đến chuyện học thuốc. Vì lý của Âm Dương tức là lý của Y học. Lại nói: Lấy Nho học để hiểu Y học…”

“Lý luận Kinh Dịch rất phù hợp với phương pháp của Y học và hầu như không thể tách rời được”.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu viết trong Ngư tiều y thuật vấn đáp:

Đạo y nửa ở Dịch Kinh,

Không thông lẽ Dịch, sao rành chước Y?

(1477 - 1478)

 

Tưởng rằng đạo thuốc thâm u,

Hay đâu Y cũng trong Nho một nghề.

(2985 - 2986)

 

Dẫn rằng muốn học máy linh,

Coi chừng Trời-Đất trong hình người ta.

(949 - 950)

Thiên Tiên thiên đồ thuyết, sách Y học nhập môn viết:

“Học Kinh Dịch đã, rồi sau mới có thể nói đến Y học được. (Nói như vậy) không phải bảo chúng ta chỉ học ở hoạch, học ở hào. Chúng ta thử quan (nhìn) Tâm của chúng ta, (trong đó) quả thực có hoạch (vạch) nào không? Có hào nào không? Chỉ là nguyên lý, nguyên khí hồn hợp nhau không gián đoạn mà thôi. Sinh ra Thiên, sinh ra Địa, sinh ra Nhân, sinh ra Vật… - tất cả đều do sự tạo hóa này làm chủ mà ra”.

Cái gọi là hồn hợp vô gián chính là nguyên lý, nguyên khí, là cái nguyên ủy của sự sống. Trong đó thì thân thể chúng ta là một dạng hữu hình quý nhất, cũng vận hành đồng nhịp theo đúng với sự vận hành của Thiên lý, Chân nguyên đó mà thôi.

Các ý kiến trên của các nhà Y học lỗi lạc Đông phương cũng tạm đủ để chúng ta đánh giá được vai trò chỉ đạo của Kinh Dịch trong Y học Đông phương.

Một số học giả cho rằng Kinh Dịch trong Y học chỉ là mấy chữ Âm Dương, Ngũ hành, Giáp Tý, Bính Ngọ… mà thôi. Tất nhiên, nói cho cùng, quan niệm trên đúng nhưng chưa đủ. Nó thiếu ở mặt lịch sử Triết học. Nói khác đi, Kinh Dịch bao gồm Âm Dương, Ngũ hành, nhưng không phải chỉ là Âm Dương, Ngũ hành mà thôi.

Kinh Dịch luận về khí hóa. Khí hóa đã tạo nên vũ trụ hữu hình. Người xưa gọi quá trình đó là tạo hóaKinh Dịch nhấn mạnh rằng tinh khí đã tạo ra vạn vật.

Chương 4 Hệ từ thượng truyện viết:

精 氣 為 物 - Tinh khí vi vật.

Tinh khí tạo hóa nên vật.

Khí tiến từ Vô cực sang Thái cực, rồi Lưỡng nghi… cho đến khi vạn vật thành hình. Qua đó, mỗi sự vật đều hiện diện khác nhau vì mang trong mình những cấp bậc khác nhau của tinh khí: Có chính khí, có tà khí. Cái hữu hình của vật biểu hiện không giống nhau: Trời, Đất, người, cây cỏ, chim muông… Tuy nhiên, cái làm cho vạn vật hữu hình lại là Một (Vô cực, Thái cực, nguyên khí…)

Chương 1 Hệ từ thượng truyện viết:

在 天 成 象 在 地 成 形 變 化 現 矣

Tại Thiên thành Tượng, tại Địa thành Hình, biến hóa hiện hỹ.

= Tại (biểu hiện ở) Thiên gọi là Tượng, tại (biểu hiện ở) Địa gọi là Hình. Thế là sự biến hóa đã hiện rõ rồi vậy.

Như vậy, Tượng chỉ vào những vật ở Thiên, Hình chỉ vào những vật ở Địa. Nhưng vì con người bẩm thụ đầy đủ khí của Thiên Địa cho nên có đầy đủ cả Tượng lẫn Hình.

Thiên Nguyên đạo, sách Văn tâm điêu long đã mô tả rất sinh động quan hệ Thiên - Nhân - Địa và tất cả những biểu hiện rực rỡ nhất của thiên nhiên - Văn  Đức:

文 之 為 德 也 大 矣 與 天 地 並 生 者 何 哉 夫 玄 黃 色 雜 方 圓 體 分 日 月 疊 璧 以 垂 麗 天 之 象

Văn chi vi Đức dã, đại hỹ. Dữ Thiên Địa tịnh sinh giả, hà tai? Phù. Huyền hoàng sắc tạp, phương viên thể phân, nhật nguyệt điệp bích dĩ thùy lệ: Thiên chi Tượng.

山 川 煥 綺 以 鋪 理 地 之 形 此 蓋 道 之 文 也 仰 觀 吐 曜 俯 察含 章 高 卑 定 位 故 兩 儀 既 生 矣

Sơn xuyên hoán ỷ dĩ phô lý: Địa chi Hình. Thử cái Đạo chi văn dã. Ngưỡng quan thổ diệu, phủ sát hàm chương. Cao ty định vị. Cố lưỡng nghi ký sinh hỹ.

惟 人 參 之 性 靈 所 鍾 是 謂 三 才 為 五 行 之 秀 實 天 地 之 心 心 生 而 言 立 言 立 而 文 明 自 然 之 道 也

Duy nhân tham chi, tính linh sở chung. Thị vị tam tài. Vi Ngũ hành chi tú, thực Thiên Địa chi Tâm. Tâm sinh nhi ngôn lập, ngôn lập nhi văn minh: Tự nhiên chi Đạo dã.

傍 及 萬 品 動 植 皆 文 人 文 之 元 肇 自 太 極 幽 贊 神 明

Bàng cập vạn phẩm, động thực giai văn… Nhân văn chi nguyên khải tự Thái cực, u tán thần minh.

易 象 惟 先 庖 犧 畫 其 始 仲 尼 翼 其 終 而 乾 坤 兩 位 獨 制 文 言 言 之 文 也 天 地 之 心 哉

Dịch Tượng duy tiên. Bào Hy hoạch kỳ thỉ, Trọng Ni dực kỳ chung. Nhi Kiền Khôn lưỡng vị, độc chế văn ngôn. Ngôn chi văn dã, Thiên Địa chi Tâm tai.

Dịch nghĩa:

Văn nhằm diễn tả (bộc lộ, hài hòa) cái Đức của vạn vật. Nó cùng sinh ra một lúc với Trời Đất. Tại sao (ta được) nói như vậy?

Ôi! Từ lúc màu huyền hoàng tạp vào nhau, từ lúc thể tròn và thể vuông được phân ra thì:

Mặt trời, mặt trăng nối tiếp nhau như xâu chuỗi ngọc, nhằm buông cái lệ (đẹp) xuống - đó là Tượng của Trời.

Núi sông bộc lộ ra như những mảnh lụa chằng chịt, rực rỡ, nhằm phô cái lý (trật tự) - đó là Hình của Địa.

Tất cả (cảnh đó) gọi là văn của Đạo.

(Khi bậc Thánh nhân) ngẩng lên để quan (nhìn Trời) được Tượng của Trời phun ra ánh sáng (của nhật nguyệt), rồi họ lại cúi xuống để sát (nhìn Đất) đang chứa đựng những vùng tươi đẹp. Họ mới thấy rằng (thế là) cao và thấp đã được định xong. Từ đó, họ biết rằng Lưỡng nghi đã được sinh ra. (Trong khoảng Trời Đất đó, trong Lưỡng nghi đó), duy chỉ có con người là có thể (參) tham vào trong ấy, bởi vì chỉ có con người mới có cái tính linh chung (鍾) thông được với Trời Đất. Người xưa gọi đó là Tam tài. Con người bẩm thụ được cái tú khí của Ngũ hành, con người là cái Tâm của Thiên Địa. Khi nào Tâm sinh ra thì ngôn (lời nói) được lập. Lời nói được lập thì cái văn mới minh (明 - sáng tỏ). Đó là cái Đạo tự nhiên vậy. Khi bàn rộng ra đến vạn phẩm (vạn vật), thì dù động vật hay thực vật cũng có nét văn của nó. Văn của con người (Nhân văn) được bắt đầu ở Thái cực. Nó tán trợ với thần minh một cách sâu xa. Trước hết, (cổ nhân đã dùng) cái Tượng để diễn tả… Ví như họ Bào Hy vạch ra Quái trước, rồi Trọng Ni viết Dực sau cùng. Thế là ý nghĩa của hai quẻ Kiền, Khôn được Trọng Ni viết lời Văn ngôn. Cái văn của ngôn chính là cái Tâm của Thiên Địa.

Qua các tư liệu trên, chúng ta thấy rằng chữ Văn (文) và chữ  (理) diễn tả được quan hệ động - quan hệ với sự hòa điệu có ánh sáng, màu sắc, âm thanh của muôn loài.

Ở Thiên, Thiên tượng đã bộc lộ cái đẹp của nhật nguyệt: Đó là Thiên văn.

Ở Nhân, Con người biểu lộ được cái tính linh, cái tú khí, thực hiện xứng đáng vai trò của mình: Đó là Nhân văn.

Ở Địa, Địa hình phơi bày được những nét trật tự rực rỡ của núi sông, của hoa cỏ, của âm thanh: Đó là Địa lý.

Điều nên nhớ là Kinh Dịch và Văn tâm điêu long không dừng lại ở tả cảnh đẹp của Trời Đất và Người. Tất cả chỉ muốn nói lên rằng: Tuy cả ba đều có những bộc lộ khác nhau ở bề ngoài, nhưng tất cả đều “đồng khí tương cầu”. Sự nóng lạnh thay đổi trong một ngày, trong một năm, mặt trời mọc, mặt trăng lặn - tất cả đều có quan hệ đến sự sống của con người. Nói khác đi, các nhà Y học thời xưa đã dựa vào sự thay đổi của Thiên Địa để nghiên cứu, tìm hiểu thật chặt chẽ giữa Ngũ vận, Lục khí với tạng phủ, khí huyết nơi con người. Từ đó, người ta chứng minh rằng: Bất cứ một sự bất hòa nào đó giữa Con người và Thiên Địa thì bệnh sẽ xảy ra. Bệnh chính là tên gọi chung để chỉ vào sự bất hòa đó.

Thiên Âm Dương ứng tượng đại luận/Tố vấn 1 viết: “Duy có bậc hiền nhân, trên phối với Thiên để dưỡng đầu, dưới tượng cùng Địa để dưỡng túc, ở giữa cư xử khéo với Người khác để dưỡng Ngũ tạng”.

Ngoài việc sống thuận với Trời Đất để dưỡng đầu, dưỡng túc như chúng ta đã thấy ở trên, con người còn phải sống quan hệ tốt đẹp với người khác để dưỡng Ngũ tạng. Bởi vì trong cuộc sống, sự quan hệ giữa người và người dễ sinh ra hỉ, nộ, khủng… Nội kinh đã chứng minh rằng nộ thì thương Can, khủng thương Thận… Con người sống tốt đẹp với nhau gọi là Nhân văn. Như vậy, Nhân văn chính là sự cư xử hài hòa giữa người và người. Đó cũng là mẫu mực đưa tới sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” trong nội bộ tạng phủ với nhau.

Thiên Khẩu vấn/Linh khu 28 đã viết: “Ôi. Sự bắt đầu của trăm bệnh đều sinh ra từ gió mưa, nóng lạnh, Âm Dương, hỉ nộ, ăn uống, cư xử với nhau, kinh sợ… Vì tất cả những cái đó làm cho huyết khí bị phân ly, Âm Dương bị phá tán, kinh lạc bị quyết tuyệt, mạch đạo bất thông, không còn vận hành theo thứ tự của mình nữa…”

Thiên Tạng phủ kinh lạc tiên hậu bệnh mạch chứng đệ nhất/Kim quỹ yếu lược đã mô tả, so sánh Văn (文) và  (理) nơi con người và trong vũ trụ, thiên nhiên: “Ôi. Con người bẩm thụ khí Ngũ thường, nhờ vào Phong khí mà sinh và trưởng. Phong khí tuy có thể sinh vạn vật, mà cũng có thể hại vạn vật. Ví như nước: Có thể làm cho chiếc thuyền nổi, nhưng đồng thời cũng có thể làm lật úp chiếc thuyền. Nếu nguyên khí và chân khí của Ngũ tạng được thông sướng thì con người sẽ được an hòa…”

Thiên này nhấn mạnh:

不 遺 形 體 有 衰 病 則 無 由 入  腠 理 腠 者 是 三 焦 通 會 元 真 之 處理 者 是 皮 膚 臟 腑 之 文 理 也

Bất di hình thể hữu suy, bệnh tắc vô do nhập Tấu lý. Tấu giả, thị Tam tiêu thông hội nguyên chân chi xứ. Lý giả, thị bì phu tạng phủ chi văn lý dã.

= … Đừng để cho hình thể chúng ta bị suy, vì (như vậy) bệnh sẽ không còn con đường nào để nhập vào Tấu lý. Tấu là nơi mà Tam tiêu thông hội với nguyên khí và chân khí. Lý là chỉ vào nơi Văn và Lý, nơi bì phu và nơi tạng phủ.

Trong thiên nhiên, Thiên tượng và Địa hình tuy có sự phân biệt cao và thấp, nhưng luôn luôn có những quan hệ thăng giáng nhịp nhàng từng thời (2 tiếng đồng hồ), từng nhật (ngày), từng hậu (5 ngày), từng tiết (15 ngày), từng nguyệt (tháng), từng tuế (năm), cho đến lục thập hoa giáp (60 tuế). Tiết điệu nhịp nhàng đó tạo nên vạn vật với muôn vàn nét xinh đẹp, thiên nhiên với những trật tự giao hợp của riêng nó. Trong bằng ấy, cái đẹp riêng đều có một nguồn gốc chung - tinh khí, nguyên khí của Thái cực, Vô cực.

Trong thiên nhiên có Văn thì trong con người cũng có Văn. Toàn bộ Văn ấy hiện diện trong con người qua các màn mỡ, được Nội kinh gọi là Tam tiêu và Tấu lý. Tam tiêu là con đường thông hội bên trong nội tạng, còn Tấu lý là con đường giăng khắp tứ chi. Nó là hình thể cụ thể để người xưa, qua Nội kinh, chứng minh con đường Thiên - Nhân - Địa hợp nhất.

Tiến tới rõ hơn, Nội kinh đã chứng minh bằng một công trình đồ sộ về sinh lý, y lý, bệnh lý… rằng con người được nhìn toàn diện và phải được nhìn toàn diện. Phải chăng vì vậy mà nền Y học Đông phương không lấy giải phẫu làm sở trường của mình? Và phải chăng cũng vì vậy mà nền Y học Đông phương lấy dưỡng sinh, lấy trị vị bệnh làm sở trường của mình? Trong toàn bộ công trình biên khảo và dịch thuật của tôi về Y học, về Y đạo Đông phương, cũng như trực tiếp qua quyển Dịch lý - Y lý này, tôi mong muốn một cách thật khiêm nhượng cùng Quý độc giả tìm một đáp số cho một số vấn đề đặt ra trên, đồng thời cố gắng tìm hiểu rõ hơn nền tảng của Y lý Đông phương.

Nếu ước mơ và mục đích trên có đạt được phần nào kết quả, thì tác phẩm này là một trong những kết quả mà tôi xin trân trọng trao tận tay Quý độc giả.

Kính xin Quý vị vui lòng chỉ bảo cho những sơ sót để tôi có dịp học hỏi thêm.

GS Huỳnh Minh Đức

Quý Đông - Ất Hợi

12/1987 (xuất bản lần 1), 12/1995 (tái bản)

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....

Hình ảnh sản phẩm

Dịch lý Y lý
Dịch lý Y lý
Dịch lý Y lý
Dịch lý Y lý

Giá LBR

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhCông ty TNHH Văn Hóa Khai Tâm
Ngày xuất bản2021-01-14 10:53:29
Phiên bảnThường
Loại bìaBìa mềm
Số trang516
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Hồng Đức
SKU1005255887207
Liên kết: Sữa tắm dưỡng ẩm phục hồi da Dr. Belmeur Mild Derma Body Wash The Face Shop (500ml)