Giới thiệu Sách - Làm mẹ với tâm Phật – Cùng con khôn lớn
Làm mẹ với tâm Phật – Cùng con khôn lớn
Công ty phát hành: Thái Hà Tác giả: Sarah Napthali Dịch giả: Minh Thu NXB: Hà Nội Trang: 296 Khổ: 15.5 x24
[Khi con mới sinh, những người mẹ chịu nhiều áp lực – họ phải cho con bú, thay bỉm cho con, hay bế con nữa. Lúc đó, họ có thể ước thời gian trôi qua thật mau. Theo năm tháng, những đứa con có thể tự chơi, tự tranh luận với những đứa trẻ khác; những người mẹ có thêm nhiều thời gian hơn cho bản thân. Nhưng đó cũng là lúc họ có một nỗi e sợ rằng, thời gian dường như đang trôi quá nhanh.
Những người mẹ cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho chính mình: Con mình sẽ lớn lên thành người như thế nào? Tôi hạnh phúc vì điều gì? Tôi đang đi đâu? Những nghi vấn đó nảy sinh khi họ có cơ hội sống chậm lại, thư thái hơn so với giai đoạn con mới sinh. Một người mẹ có thể đặt đứa con làm trung tâm để trả lời cho mọi câu hỏi họ tự đặt ra. Tuy vậy, mỗi câu trả lời cho từng câu hỏi này đều thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh, và theo những đứa con của họ.
Theo những Phật tử, các nhà tâm lý học, triết gia, học giả thì điều quan trọng nhất một người mẹ nên làm là đảm bảo cách sống bản thân phù hợp với cái đích cuối cùng mà họ hướng đến. Những người mẹ cần học cách giữ cho tâm trí luôn cởi mở và tò mò trước mọi phương án khả thi. Như các Phật tử thường làm, họ luôn trau dồi tinh thần học hỏi, thay vì giả định mình đã khôn ngoan.
Tác giả Sarah Napthali đã tập hợp kinh nghiệm của bản thân cũng như của những bà mẹ khác, và truyền cảm hứng về việc những giáo lý đạo Phật có thể đi vào cuộc sống của một người mẹ như thế nào vào cuốn sách “Làm mẹ với tâm Phật – cùng con khôn lớn”. Phật giáo có thể giúp những người mẹ sống trong trạng thái tiếp thu, học hỏi, và trở nên hạnh phúc hơn mỗi ngày.
MỤC LỤC:
Lời nói đầu
Chương 1: Mình đang ở đâu thế này?
Chương 2: Tôi đang đi đâu?
Chương 3: Tôi là ai?
Chương 4: Con ta là ai?
Chương 5: Có vậy thôi sao?
Chương 6: Khoảnh khắc này đòi hỏi ở tôi điều gì?
Chương 7: Ta có thể làm gì với tất cả công việc nhà?
Chương 8: Liệu ta có thể thay đổi không?
Chương 9: Làm sao tôi hết tiêu cực được đây?
Chương 10: Làm sao tôi có thể trở thành phiên bản tốt nhất?
Kết luận
Phụ lục: Giáo lý về tính Không
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
Con ta là ai?
Việc ta tìm hiểu bản chất con người thật của chính các con mình khiến ta phải thừa nhận một thực tế rằng: ngay cả ta cũng chẳng rõ hoàn toàn con người của chúng, hay cả việc chúng đang phát triển theo hướng nào. Điều thực tế duy nhất ở đây chỉ có thể là việc ta giơ tay xin hàng trước những điều chưa rõ đó mà thôi. Chúng ta thường hay khẳng định là mình đã hiểu rõ con người của từng thành viên trong gia đình cũng như bạn bè ta. Nhưng lại chối từ việc thừa nhận rằng mỗi chúng sinh đều ẩn chứa những điều bí ẩn mà có thể giúp ta nhìn nhận hành vi của họ với một tâm hồn rộng mở hơn, như thể ta sẽ tin tưởng vào họ hơn mặc dù trong lòng ta vẫn còn những hoài nghi.
Ta hẳn sẽ nhiều lần bắt gặp bản thân đang ngồi miêu tả lại tính cách của các con cho người khác nghe, có thể là ngồi so sánh tính nết hai anh chị em với nhau hoặc với bạn của chúng chẳng hạn. Ta có thể sẽ đưa ra những nhận định rằng đứa này thì hòa đồng, đứa kia thì im thít rụt rè, đứa này thì mộng mơ hoài bão còn đứa kia hay phá bĩnh xóm làng. Mặc dù các bà mẹ có vẻ thích đi kể về tính nết các con cho người khác nghe, nhưng điều đó cũng chẳng thể giúp ta giải mã được bí ẩn con người nội tâm của các con mình là ai. Một chướng ngại thường hay bị các bậc phụ huynh lãng quên khi nuôi dạy con chính là việc nhìn nhận các con một cách rõ ràng mà không bám chấp lấy những quan điểm của mình. Điều đó cũng đồng thời giúp ta nhận thức được rằng những hy vọng, những nỗi sợ và kỳ vọng đang bóp méo quan điểm suy nghĩ của chính mình như thế nào.