Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng tỏ. Gần đây, cuộc nội chiến kéo dài 30 năm từ đầu thập niên 1770 đến đầu thập niên 1800 được nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài để tâm tìm hiểu, dựa vào nhiều nguồn tư liệu ở các văn khố nước ngoài, tiêu biểu là văn khố của Bộ Hải quân và Thuộc địa cũ và Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (Pháp). Nhờ thế mà số dữ kiện được đưa ra về thời kỳ này phong phú hơn, nhiều sự thật lịch sử trước đây, vì lý do này hay lý do khác, còn mơ hồ, chưa thống nhất, nay được rõ ràng, dứt khoát hơn.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho chủ đề này là The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) của giáo sư sử học người Mỹ George Dutton mà bản dịch đang nằm trên tay quý bạn đọc. Tác giả là giáo sư bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á thuộc trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Mỹ; từng giảng dạy môn lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, đồng thời là tác giả nhiều sách viết về xã hội Việt Nam các thế kỷ XVIII, XIX và XX. Riêng tác phẩm The Tây Sơn Uprising được trường Đại học Hawaii xuất bản năm 2006 là một công trình nghiên cứu quan trọng của Dutton về phong trào Tây Sơn những năm 1771-1802, trong khuôn khổ một cuộc nội chiến ác liệt và dằng dai kéo dài hơn 30 năm, với những di chứng còn tồn tại đến thế kỷ XIX. Dutton đã dành phần lớn tác phẩm này để bàn về mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn với các thành phần xã hội phức tạp lúc bấy giờ, gồm có giới nông dân, người châu Âu tại Đại Việt, các sắc tộc thiểu số như người Hoa, người Chăm, người Khmer, đồng bào Thượng trên cao nguyên và cả những thành phần cư dân mà tác giả gọi là “những kẻ sống bên lề xã hội”. Ở mỗi chủ đề, tác giả đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu bằng các ngôn ngữ khác nhau để lý giải vấn đề, chủ yếu nhằm làm sáng tỏ nhiều chi tiết lịch sử còn thiếu sót hay mơ hồ. Trước tiên, bàn đến quan điểm xem nhà Tây Sơn là một phong trào nông dân, Dutton đưa ra một số luận cứ nhằm minh họa cho cách nhìn của ông. Ông viết: “Người nông dân thời kỳ Tây Sơn là những kẻ lót đường cho quân đội, là đối tượng của sự lao dịch, là nguồn tiếp tế và nguồn lợi tức cho phong trào. Những người đàn ông và đàn bà đó có thể nuôi ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, điều này phản ánh trong sự ủng hộ đầy vẻ lạc quan của họ khi nhìn thấy những biểu hiện sớm sủa của cuộc nổi dậy, song những ước vọng đó sớm nhường chỗ cho một thực tế đầy thất vọng và theo những chứng cứ khả dĩ nhất, ít có người nông dân nào nhìn thấy một sự cải tiến đáng kể trong đời sống của họ phát xuất từ hành động của nhà Tây Sơn” . Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của tác giả, song sự gợi mở của ông tạo nên sức sống mới cho sinh hoạt học thuật về thời kỳ này đã từ lâu đi theo những lối mòn. Dutton nhận định rằng, lúc bắt đầu cuộc nổi dậy, nhà Tây Sơn cũng chỉ tái phân phối những tài sản có giá trị thấp, hoặc lúa gạo cho người nông dân thay vì thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất của họ thông qua những chứng từ hợp pháp. Người nông dân trong cuộc nội chiến 1771-1802 trở thành công cụ lớn nhất cho mục tiêu tối hậu của anh em Tây Sơn, để rồi, như một nhận định khá chua chát của Dutton, cuối cùng “họ trở thành kẻ đồng lõa với sự áp bức chính họ”, bởi vì sự đóng góp công sức của họ đã được đền đáp bằng sự bóc lột họ bằng sưu cao thuế nặng. Trong thành phần những sắc dân thuộc khối thiểu số, qua ngòi bút của George Dutton, mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và người Hoa cũng phức tạp không kém. Mối quan hệ này khởi đầu từ việc thu nhận các lực lượng người Hoa dưới quyền của hai thương nhân Tập Đình và Lý Tài vào trong hàng ngũ Tây Sơn, và nó chặt chẽ đến nỗi vào năm 1775, một nhà quan sát người Âu đã viết rằng, phần lớn quân nổi dậy là người Hoa. Song mối quan hệ đó sớm lụi tàn, nhường chỗ cho những ân oán kéo dài, nhất là vào thập niên 1780, khi nhà Tây Sơn tàn sát hàng ngàn người Hoa tại vùng Gia Định. Cuộc thảm sát này mang màu sắc một sự trả thù cho viên tướng Tây Sơn Phạm Ngạn bị sát hại bởi đạo quân Hòa Nghĩa gồm phần lớn là người Hoa, song theo Dutton (và một số tác giả khác), mối quan hệ căng thẳng giữa nhà Tây Sơn và người Hoa lúc bấy giờ bị chi phối bởi nỗi lo ngại cộng đồng này là những trung tâm tài chánh nếu không tự nguyện đóng góp vật chất cho đạo quân nhà Nguyễn thì ít nhất cũng nằm trong tầm ảnh hưởng và sự chi phối của đạo quân này. Song Dutton cũng cho rằng không phải lúc nào mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và người Hoa cũng mang màu sắc tiêu cực. Chỉ một năm sau cuộc thảm sát người Hoa tại Sài Gòn (1782), các tàu buôn của họ tiếp tục cập bến buôn bán tấp nập. Đối với người Âu, chủ yếu là những người Pháp đang sống bên trong hay bên ngoài guồng máy chiến tranh, qua ngòi bút của Dutton, nhà Tây Sơn thường cho rằng các cuộc thất trận lớn của họ là do có sự tham gia của những người Âu thiện chiến trong lực lượng của Nguyễn Ánh. Tuy nhận định này có tính phóng đại ít nhiều, song họ cũng nỗ lực chiêu dụ những người Pháp có năng lực về mặt kỹ thuật, công nghệ, gia nhập vào đạo quân của họ.
Cuối cùng, mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và hải tặc Trung Hoa là chủ đề được Dutton đề cập khá kỹ, ông nêu ra những dữ kiện minh chứng cho mối quan hệ giữa phong trào này và các nhóm hải tặc Trung Hoa bị chính quyền nhà Thanh tróc nã, phải trôi dạt xuống các vùng biển phía nam. Đây là một lực lượng quan trọng cả về nhân số lẫn phương tiện và vũ khí, có những đạo quân hải tặc lên tới hàng ngàn người và một số tàu thuyền hàng trăm chiếc. Nhà Tây Sơn đã tuyển mộ thành phần này và sử dụng họ dưới hai hình thức chính: một là để kiểm soát đường biển, ngăn chặn các tàu thuyền di chuyển nhằm mục đích tiếp xúc, tiếp tế cho chúa Nguyễn Ánh; hai là để chia sẻ một phần lợi kiếm được cho phong trào này, bù đắp vào những khoản thiếu hụt về vật tư và tài chánh. Dutton đã mô tả với nhiều chi tiết hơn về điểm này: “Được đánh giá cao do khả năng hạn chế các hoạt động của con người, bọn hải tặc cũng có ích về mặt tài chánh cho nhà Tây Sơn. Đổi lại với việc cung cấp cho hải tặc nơi trú ẩn an toàn trong vịnh Bắc phần, nhà Tây Sơn nhận được một tỷ lệ phần trăm những của cải mà tàu thuyền của chúng cướp được. Về những nhà giàu có đi qua vùng biển này, hoạt động tuần tra có lợi rất nhiều cho cả hai phía. Cứ mỗi mùa xuân và mùa hè, các tàu hải tặc bắt đầu mùa cướp bóc, rồi khi mùa thu đến thì chúng quay về nơi trú ẩn an toàn. Murray viết rằng, các hải tặc sẽ nộp của cải cướp được cho nhà Tây Sơn (ít nhất về mặt lý thuyết); Tây Sơn lại mang bán chúng ở Đại Việt rồi hoàn từ 20 đến 40% tiền thu được cho hải tặc…”. Những gì George Dutton trình bày trong tác phẩm của ông cho thấy một thực trạng chung của cả hai bên trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 30 năm, đó là sự câu kết, hợp tác với những thế lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng của mình. Tác giả đã có nhận định khá tinh tế về vấn đề này: “Kết luận rằng trộm cướp và hải tặc giữ vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn không nhằm làm mất uy tín các lãnh tụ phong trào, như ý đồ của các sử gia triều Nguyễn. Cần trung thực hơn khi miêu tả thành phần phức tạp của cuộc nổi dậy, phản ánh tính không đồng nhất của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XVIII. Cũng như đối thủ của họ là chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn trước tiên là những kẻ thực dụng, trong việc tuyển mộ quân đội, họ không nghĩ đến nền tảng xã hội, và kinh nghiệm, mà chỉ nghĩ đến những con số tuyệt đối. Đối với người tuyển mộ của nhà Tây Sơn, một kẻ cắp hay cướp biển không phải là một tên tội phạm cần tiêu diệt, mà là một người có kinh nghiệm chiến đấu, có thể tự trang bị vũ khí, sẵn sàng thách thức với nhà cầm quyền” . Khi đánh giá chung về nhà Tây Sơn, George Dutton có những nhận định khá thẳng thắn khi ông viết: “… các lãnh tụ Tây Sơn không phải là những người canh tân hay những nhà cách mạng, mà chỉ là những kẻ cơ hội về chính trị. Họ tỏ ra thực dụng khi đưa ra nhiều lời kêu gọi khác nhau, theo nhiều cách khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, sử dụng những công cụ tìm thấy, và những tình huống bắt gặp được để tranh thủ sự ủng hộ và để hợp pháp hóa bản thân họ cũng như phong trào của họ. Cho dù một vài sử gia người Việt cố gán cho cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn những mưu định lớn lao, một cái nhìn sâu sát hơn cho thấy họ chẳng có một chiến lược nào tài giỏi, rất ít khi dựa vào một triết lý đặc biệt nào. Tuyên ngôn của các nhà lãnh đạo Tây Sơn về những mục tiêu nào đó thường được tính toán nhắm vào lợi ích riêng tư và quyền lực chính trị của họ, mà không nhằm tạo sự chuyển biến cho đất nước họ hay cho đời sống của cư dân của họ”.
Ở một đoạn khác, tác giả còn tỏ ra gay gắt hơn: “Vì thế, thay vì miêu tả anh em nhà Tây Sơn như những nhà cách mạng, chính xác hơn là chúng ta nên xem họ như những diễn viên phụ (cho dù là ghê gớm) trên một sân khấu chính trị đông đúc và rộng lớn mà diễn viên và đồ dùng đã được dọn sẵn. Mở rộng cách ẩn dụ này hơn nữa, có thể nói các lãnh tụ Tây Sơn là những diễn viên không có kịch bản, tùy nghi ứng biến vai diễn của họ cũng như hướng giải quyết của vở kịch. Họ được dẫn dắt không phải bởi một tầm nhìn dài hạn mà bởi động cơ cá nhân ngắn hạn, đáp ứng với những tình huống hay thay đổi”. Trên là nhận định của tác giả về nhà Tây Sơn nói chung, song tách riêng nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ, Dutton có một cái nhìn khác, sâu sắc và trọng thị hơn rất nhiều: “… Sự tin tưởng của Quang Trung vào vương quốc Đàng Ngoài phát xuất phần lớn từ việc ông bảo vệ đất nước Đại Việt chống lại cuộc xâm lược của quân nhà Thanh vào năm 1788. Chính hành động này, hơn bất cứ hành động nào khác, đã củng cố tầm vóc của ông trong con mắt của các nho sĩ Bắc hà cũng như trong quảng đại quần chúng. Chiến thắng quân Thanh của ông đã dứt khoát đưa ông vào ngôi đền của những anh hùng dân tộc - Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và Lê Lợi, là những người đã bảo vệ đất nước chống lại người láng giềng phương Bắc. Ông gợi nhớ lại chiến công của những vị anh hùng này khi tập hợp quân đội tấn công quân Thanh và chiến công của ông rõ ràng đã kết nối thành tích của ông với thành tích của các vị anh hùng. Chỗ đứng của Quang Trung trên vũ đài quốc gia được xác định bởi chiến công của ông về mặt quân sự hơn là tầm nhìn chính trị của ông.
Dịch ra Việt ngữ một tác phẩm như The Tây Sơn Uprising là điều cực khó, khi phải lồng những văn từ bằng tiếng nước ngoài thời hiện đại vào khuôn khổ xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII với nhiều dị biệt về tổ chức chính quyền, phong tục tập quán, ngôn ngữ thông dụng. Điều này đòi hỏi người dịch phải có một kiến thức nhất định về lịch sử Việt Nam thời kỳ này để chuyển tải đến người đọc những nội dung mà tác giả của nó muốn gửi gắm, đồng thời để bổ sung những thiếu sót hay đính chánh những chi tiết mà tác giả có phần nhầm lẫn khi đi sâu vào những vấn đề lịch sử phức tạp.
Tác phẩm này dựa vào một nguồn tài liệu thật phong phú nên chỉ trong hơn 300 trang bản thảo dạng pdf, đã có đến 764 chú thích. Số lượng chú thích khổng lồ này lại được tập trung hết vào cuối quyển sách, có thể không thuận tiện cho người đọc, cho nên để bạn đọc dễ dàng theo dõi hơn thì toàn bộ chú thích đưa xuống cuối mỗi trang sách.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Công ty phát hành | DT Books |
---|---|
Ngày xuất bản | 2019-03-01 00:00:00 |
Kích thước | 15.5 x 23 cm |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 454 |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Tổng hợp TP.HCM |
SKU | 4493484404369 |