Trong Về Pháp quyền, Tom Bingham bàn luận về lịch sử và ý nghĩa của nguyên tắc pháp quyền. Sách có ba phần chính.Phần thứ nhất, gồm hai chương đầu, bàn về tầm quan trọng của pháp quyền và một số cột ...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Về Pháp Quyền

Trong Về Pháp quyền, Tom Bingham bàn luận về lịch sử và ý nghĩa của nguyên tắc pháp quyền. Sách có ba phần chính.

Phần thứ nhất, gồm hai chương đầu, bàn về tầm quan trọng của pháp quyền và một số cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp quyền, bao gồm:

  1. MAGNA CARTA 1215
  2. TRÁT BẢO THÂN
  3. BÃI BỎ TRA TẤN 
  4. THỈNH NGUYỆN THƯ VỀ QUYỀN NĂM 1628
  5. NHỮNG CAM KẾT CỦA SIR MATTHEW HALE
  6. ĐẠO LUẬT BẢO THÂN SỬA ĐỔI NĂM 1679
  7. TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN NĂM 1689 VÀ ĐẠO LUẬT DÀN XẾP NĂM 1701
  8. HIẾN PHÁP MỸ
  9. TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN VÀ DÂN QUYỀN PHÁP NĂM 1789
  10. TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN MỸ
  11. LUẬT CHIẾN TRANH
  12. TUYÊN NGÔN PHỔ QUÁT VỀ NHÂN QUYỀN

Phần hai (Chương 3-10) bàn về tám yếu tố cơ bản tóm gọn bản chất của pháp quyền: 

  1. TÍNH DỄ TIẾP CẬN CỦA PHÁP LUẬT
  2. BAN HÀNH LUẬT THAY VÌ CÁC QUYẾT ĐỊNH TÙY NGHI
  3. BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT
  4. THỰC THI QUYỀN HẠN
  5. NHÂN QUYỀN
  6. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
  7. XÉT XỬ CÔNG BẰNG
  8. PHÁP QUYỀN TRONG TRẬT TỰ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

Phần ba (Chương 11-12) thảo luận về những căng thẳng đối với pháp quyền từ chủ nghĩa khủng bố và nguyên tắc chủ quyền nghị viện (Anh).

Theo Tom Bingham, pháp quyền không phải là một học thuyết pháp lý khô khan mà là nền tảng thực sự của một xã hội công bằng, là sự bảo đảm của một chính phủ có trách nhiệm, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng góp phần đảm bảo hòa bình và sự hợp tác giữa các quốc gia. 

MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT

“Cuốn sách là một viên ngọc sáng … hợp thời và đầy cảm hứng. Mọi người đều nên đọc nó.”

Independent

“… cuốn sách ngắn của ông là một bài luận đáng chú ý về chủ đề này, đi từ bao quát đến các điển cứu ngắn gọn nhưng chi tiết theo các vụ án mà chính ông đã tham gia…”

–Stephen Sedley, The Guardian

MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN

“…cốt lõi của pháp quyền là mọi người và mọi cơ quan quyền lực tại một quốc gia, dù công hay tư, đều được bảo vệ và bị ràng buộc bởi các quy tắc pháp luật được tạo lập công khai, có hiệu lực chung trong tương lai và được áp dụng công khai bởi các tòa án.” (p.16)

“Hình ảnh thẩm phán dưới con mắt của dân chúng cũng vô vàn và không hoàn toàn nhất quán (lúc thì họ là những kẻ già yếu và đờ đẫn, khi thì lại là những người tiến hành việc truy hỏi vô cùng cặn kẽ; lúc thì họ là những ông già bảo thủ thét ra những hình phạt man rợ đối với kẻ bất lương, khi thì lại là những cảm tình viên yếu đuối của chủ nghĩa tự do, không sẵn sàng trừng phạt bất kỳ ai bởi bất kỳ điều gì), nhưng thường là tiêu cực. Tuy vậy, niềm tin vào pháp quyền cũng không dẫn đến sự ngưỡng mộ mù quáng đối với luật pháp, nghề luật, tòa án hay thẩm phán. Chúng ta có thể ôm lấy phần lớn các định kiến của mình, tuy nhiên niềm tin ấy kêu gọi chúng ta chấp nhận rằng sống trong một đất nước tuân thủ, hoặc chí ít cố gắng tuân thủ, nguyên tắc mà tôi vừa đề cập hơn thì tốt hơn là trường hợp ngược lại. Than ôi, những dấu hiệu của một chế độ coi thường pháp quyền thật quá đỗi quen thuộc: những cuộc kiểm tra tư dinh lúc nửa đêm, những người biến mất một cách đột ngột, những phiên tòa trình diễn, những cuộc thí nghiệm khoa học lấy tù nhân làm đối tượng, những cuộc bức cung, những trại cải tạo tập trung, những phòng hơi ngạt, những tội ác diệt chủng hay thanh lọc sắc tộc, và những cuộc chiến tranh tàn khốc. Đó là một danh sách dài vô tận. Việc chịu đựng một vài vị thẩm phán nóng tính hay mấy tay luật sư tham lam vẫn tốt hơn nhiều.” (p.17)

“39. Không người tự do nào có thể bị bắt giữ, bị cầm tù, bị tước đoạt quyền lợi hoặc tài sản, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật hay bị tước đoạt địa vị dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta cũng không thể dùng vũ lực để ép buộc người đó hoặc khiến người khác làm như vậy, trừ khi có phán quyết hợp pháp bởi những người ngang hàng với người đó hoặc theo pháp luật nơi sở tại.

  1. Chúng ta sẽ không bán cho ai, cũng không bác bỏ hay trì hoãn với ai quyền lợi hay công lý.” (Điều 39-40 trong Magna Carta, trích trong p.18-19)

“Một người (hãy gọi anh ta là A.B.) không may bị giam giữ trong một nhà tù tại Carlisle. Bởi một nguyên do nào đó, anh ta tin rằng mình đang bị giam giữ bất hợp pháp. Do đó, anh ta yêu cầu được ban trát bảo thân – phiên bản hiện đại, do phiên bản cũ bằng tiếng Latin đã không còn được sử dụng – nhằm yêu cầu Thống đốc Nhà tù Carlisle đưa mình ra trình diện trước thẩm phán hoặc tòa bộ phận thuộc Tòa Tư pháp Hoàng gia ở Strand. Trát này cũng yêu cầu vị Thống đốc Nhà tù phải trình bày “thời gian và nguyên cớ bắt giam, để Tòa án có thể kiểm tra và xác định nguyên cớ này có hợp pháp hay không”.” (p.23)

“Người ta đã sớm nhận ra rằng có một số thông lệ tàn bạo đến mức không thể dung thứ, ngay cả khi an ninh quốc gia được cho là đang bị de dọa, ngay cả khi cái giá phải trả là bỏ sót kẻ có tội. Có những việc mà ngay cả quyền lực tối thượng nhất trong nhà nước cũng không bao giờ được phép thực hiện.” (p.28)

“Tuy nhiên, ngược lại với tinh thần chung mà các luật đã nói, cùng các đạo luật tốt đẹp khác được ban hành, nhiều người dân đã bị bỏ tù mà không có bất kỳ nguyên cớ nào; và khi, để giải phóng họ, họ được đưa đến trước các thẩm phán bởi trát bảo thân của Nhà vua để nghe phán quyết khi Tòa án ra lệnh, và những người giam giữ họ được lệnh làm rõ nguyên cớ giam giữ, không một nguyên cớ nào được đưa ra, ngoài việc họ bị giam giữ theo lệnh đặc biệt của Nhà vua được truyền xuống bởi Hội đồng Cơ mật; và sau đó họ bị đưa trở lại nhà tù trong khi không bị buộc tội bởi bất kỳ điều gì mà họ có thể phản biện theo luật. […] Do đó, dân chúng thỉnh nguyện Nhà vua, rằng từ đây không một ai bị buộc phải thực hiện bất kỳ khoản tặng, vay, từ thiện, thuế hoặc các khoản chi khác mà không được chấp thuận bởi một đạo luật của Nghị viện, và không ai bị yêu cầu trả lời, tuyên thệ, tham gia, bị giam hãm, bị quấy rối hoặc làm phiền vì mục đích này hay vì đã từ chối những điều đó. Rằng, không một người tự do nào trong trường hợp này bị bỏ tù hoặc giam giữ. Rằng, Nhà vua sẽ sẵn lòng gỡ bỏ quân đội và thủy quân, để người dân không phải chịu gánh nặng trong thời gian tới. Rằng, các quân ủy được lập ra để thi hành thiết quân luật sẽ bị thu hồi và bãi bỏ. Và rằng từ đây, không một quân ủy hay thiết chế nào khác tương tự có thể ra lệnh xử tử bất kỳ ai hoặc nhóm người nào, để thần dân của Nhà vua không còn bị hủy hoại hoặc xử tử trái với luật pháp và tinh thần tự do của đất nước.” (Thỉnh nguyện thư về quyền, p.30-31)

 “Việc ban hành luật sẽ chẳng có mấy ý nghĩa, bất kể luật ấy có tốt đẹp ra sao, nếu không có một cơ quan tư pháp có khả năng và sẵn sàng thực thi chúng. Nếu không, quyền lực hoàng gia có thể thoải mái coi thường luật pháp mà không chịu bất cứ sự trừng phạt nào.” (p.38)

“Một chức năng quan trọng của luật hình sự là làm nản lòng những người có ý định thực hiện tội phạm, và chúng ta không thể nản lòng nếu không biết, hay thậm chí không thể suy luận một cách hợp lý, điều mà đáng ra không nên làm. […] Để được hưởng những quyền dân sự mà mình có, hay để thực hiện những nghĩa vụ mà luật dân sự yêu cầu, điều quan trọng nhất là mỗi người phải biết mình có những quyền và nghĩa vụ gì. Nếu không, chúng ta sẽ không thể hưởng những quyền hay hoàn thành những nghĩa vụ ấy. […] Sẽ không có ai lựa chọn đầu tư hay kinh doanh, nhất là với một khoản vốn lớn, vào một quốc gia có hệ thống các quyền và nghĩa vụ pháp lý về thương mại mơ hồ và không chắc chắn.” (p.53)

“Chúng ta kỳ vọng rằng những khoản thuế mình đã đóng sẽ được sử dụng dựa trên những quy tắc pháp lý thành văn chi tiết, chứ không phải bởi những quyết định của các thanh tra thuế. Những người này có nghĩa vụ áp dụng các quy tắc pháp lý đã được đặt ra, nhưng không thể tự tạo ra những quy tắc mới.” (p.68)

“Pháp quyền không yêu cầu tước hoàn toàn quyền quyết định tùy nghi của công chức hay thẩm phán, mà yêu cầu không có sự tùy nghi nào là không giới hạn để tránh việc họ trở nên độc đoán. Do vậy, không sự tùy nghi nào có thể thoát khỏi sự kiểm soát của pháp luật.” (p.74)

“Những người làm nên Hiến pháp hiểu, và ngày nay chúng ta không nên quên, rằng không có sự bảo đảm thực tiễn nào chống lại chính quyền độc đoán và phi lý hiệu quả hơn việc yêu cầu các nguyên tắc pháp luật sẽ được các công chức áp dụng cho một nhóm thiểu số phải được áp dụng chung. Ngược lại, không điều gì dung túng cho hành động tùy tiện hiệu quả hơn việc cho phép những kẻ xấu xa đó chỉ chọn ra một số ít người mà chúng sẽ áp dụng luật pháp và do vậy, chúng có thể thoát khỏi sự trừng phạt chính trị nếu có nhiều người hơn bị ảnh hưởng. Để đảm bảo rằng luật pháp trở nên công bằng, không có biện pháp nào tốt hơn việc tòa án yêu cầu áp dụng pháp luật một cách bình đẳng.” (p.80)

“Các bộ trưởng và công chức ở mọi cấp phải thực thi những quyền hạn được trao một cách thiện chí, công bằng, phục vụ cho mục đích của việc trao gửi quyền hạn, không được vượt quá giới hạn của những quyền hạn đó và không được thực hiện chúng một cách thiếu thỏa đáng.” (p.81)

“Có một nguyên tắc căn bản là bất kỳ ai thực thi một quyền hạn luật định đều không được hành động vượt quá những giới hạn của quyền lực đó.” (p.85)

“Có những quốc gia trên thế giới mà tất cả các quyết định của tòa án đều có lợi cho các cơ quan quyền lực, nhưng có lẽ không ai trong chúng ta muốn sống ở những quốc gia như vậy.” (p.87)

“…một nhà nước đàn áp hoặc ngược đãi một bộ phận công dân của mình không thể được coi là một nhà nước tuân thủ pháp quyền, ngay cả khi họ ban hành các đạo luật chi tiết và nghiêm ngặt về việc đưa nhóm thiểu số bị đàn áp đến trại tập trung, hay ép buộc bỏ rơi các bé gái mới sinh bên sườn núi.” (p.89)

“Chắc chắn có người sẽ muốn nhốt tất cả những nghi phạm khủng bố và những tội nghiêm trọng khác lại, sau đó vứt chìa khóa đi. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, nghi phạm là một người chưa được chứng minh là phạm tội. Sự nghi ngờ, ngay cả khi hợp lý, vẫn có thể sai. Rất nhiều vụ oan sai đã chứng minh điều đó. Cảnh sát và nhân viên an ninh không phải lúc nào cũng có các quyết định đúng đắn. Sẽ là bất công nghiêm trọng nếu tước đi, trong một khoảng thời gian đáng kể, quyền tự do của một người chưa và không hề có ý định phạm tội. Không quốc gia văn minh nào nên dung thứ cho những bất công như vậy. (p.96)

“Việc các cơ quan công quyền tuân thủ các quy định của pháp luật là một khởi đầu tốt, nhưng sẽ là không đủ nếu luật pháp của quốc gia đó không bảo vệ những gì được coi là quyền căn bản của con người.” (p.109)

“Ở một xã hội lý tưởng, các tranh chấp dân sự không bao giờ xảy ra: các công dân sống với nhau trong tình thân ái, và sự hòa hợp ngự trị xã hội. Tuy nhiên, chúng ta sống trong một xã hội không lý tưởng, nơi có nhiều điều khác biệt phát sinh, và sẽ là sai lầm nếu cho rằng những khác biệt này chỉ nảy sinh do sự thiếu trung thực, những thủ đoạn bất lương, sự ác ý, lòng tham hay sự ngoan cố của một trong các bên. Đương nhiên, những điều này không phải không xuất hiện ở các bên tranh chấp, nhưng ngay cả những người hiểu lý lẽ nhất với những động cơ tốt đẹp cũng có thể có cách hiểu khác nhau về các điều khoản của một hợp đồng, về sự chuyển nhượng hay về một di chúc, về trách nhiệm phát sinh từ một tai nạn, về việc nuôi dạy con cái sau khi cha mẹ chia tay, về việc sử dụng lối đi bộ, hay về việc áp dụng một đạo luật của Nghị viện hay các quyết định được ban hành bởi một bộ trưởng hoặc một công chức địa phương. Do đó, phải có một quyết định mang tính ràng buộc. Việc kẻ mạnh (hay theo như thuật ngữ ngày nay, bên được trang bị tối tân nhất) luôn giành chiến thắng không mang lại lợi ích nào cho các bên tranh chấp hay cho toàn thể xã hội.” (p.112)

“Thủ tục xét xử phải tạo cơ hội công bằng cho cả công tố viên hoặc nguyên đơn chứng minh vụ kiện của mình cũng như cho bị đơn bác bỏ nó. Một phiên tòa sẽ không công bằng nếu như cán cân thủ tục nghiêng về một bên nhất định, hay như cách nói được sử dụng trong các vụ việc ở Châu Âu, nếu không có sự bình đẳng về vũ khí.” (p.118-119)

“So với sự độc lập của nền tư pháp, sự độc lập cũng những người hành nghề luật cũng quan trọng không kém. Điều này có nghĩa là các luật sư không có gì phải sợ hãi khi đại diện cho những người không có khả năng tự đại diện, bất kể vụ án có gây bất bình đến đâu.” (p.121)

“[…] chúng ta đều hiểu rất rõ rằng việc chấp nhận những ràng buộc đó là cái giá cần thiết phải trả để những người khác cũng tuân thủ chúng, và rằng một xã hội mà trong đó không ai bị buộc phải tuân thủ những ràng buộc sẽ không phải là một xã hội mà chúng ta mong muốn. Và rất có thể sẽ chẳng còn xã hội nào cả. Điều này cũng đúng trên bình diện quốc tế. Bất kể một quốc gia có bị thu hút đến đâu bởi ý tưởng không phải chịu những ràng buộc pháp lý mà tất cả các quốc gia khác phải tuân theo thì những quốc gia này cũng khó có thể chấp nhận một tình trạng như vậy trong thời gian dài, đồng thời quốc gia đơn lẻ kia sẽ mất đi những lợi ích và sự bảo vệ mà các hiệp định quốc tế có thể mang lại. Sẽ không còn chỗ cho luật rừng trong một khu rừng lớn.” (p.145)

“Khủng bố là một hành vi tội phạm và cần được xử lý phù hợp – và điều đó có nghĩa là áp dụng luật pháp công bằng và nhất quán.” (p.169)

“…Mỹ nhận thấy rằng mình đã dấn thân vào một cuộc chiến vô thời hạn chống lại một kẻ thù không rõ ràng trên một mặt trận toàn cầu. […] Ngược lại, người Anh lại tôn trọng đường lối được thiết lập ở Bắc Ireland khi coi những kẻ khủng bố là tội phạm chứ không phải binh lính của kẻ thù.” (p.174)

“…cho phép Tổng thống sử dụng vũ lực đối với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào mà ông coi là chịu trách nhiệm cho những hành vi khủng bố, hay cho phép giam giữ vô thời hạn đối với những người bị nghi ngờ là khủng bố ở bất cứ đâu trên thế giới mà không có bất kỳ sự đảm bảo nào về việc buộc tội hoặc xét xử. Những quyền hạn tương tự sẽ không được Nghị viện Westminster trao cho cơ quan hành pháp tại Anh.” (p.175-176)

“Pháp quyền là nền tảng của xã hội văn minh. Nguyên tắc này thiết lập một quy trình minh bạch, mở rộng và bình đẳng cho mọi người. Nguyên tắc này đảm bảo sự tuân thủ những nguyên tắc vừa giải phóng vừa bảo vệ con người.” (p.217)

“Nhưng trong một thế giới bị chia rẽ bởi những khác biệt về quốc tịch, màu da, tôn giáo và của cải, pháp quyền là một trong những yếu tố vĩ đại nhất (và có thể chính là yếu tố vĩ đại nhất) giúp chúng ta đoàn kết lại – điều mà chúng ta có thể coi như gần nhất với một tôn giáo thế tục phổ quát. Đó vẫn còn một lý tưởng, nhưng là một lý tưởng đáng để đấu tranh, vì lợi ích của một chính quyền tốt và hòa bình ở nước Anh nói riêng cũng như trên toàn thế giới nói chung.” (p.221)

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....

Hình ảnh sản phẩm

Về Pháp Quyền
Về Pháp Quyền
Về Pháp Quyền
Về Pháp Quyền

Giá SMILEK

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhAlphabooks
Loại bìaBìa mềm
Số trang248
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Tri Thức
SKU6342161980817
Liên kết: Lõi phấn nước lâu trôi Ink Lasting Cushion Refill fmgt The Face Shop