Trong thời đại hiện nay, do tình hình kinh tế xã hội ngày một đi lên, giao thông phát triển, vui chơi giải trí và thể thao cũng ngày càng phong phú v.v... thì chất lượng cuộc sống của con người ngày một được cải thiện và nâng cao.
Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, các tai nạn ngày càng nhiều, mức độ chấn thương cũng ngày càng nặng nề và phức tạp. Chấn thương cơ quan vận động (chân, tay, cột sống, trong đó chủ yếu là gãy xương, trật khớp ở chân hoặc tay) chúng ta có thể gặp hằng ngày, ở bất cứ đâu.
Trẻ em cũng không phải là ngoại lệ. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2009, Phòng Khám Xương đã khám chữa bệnh ngoại trú cho 46.115 bệnh nhân trong mọi lứa tuổi, trong đó có 10.128 trẻ em từ 14 tuổi trở xuống (chiếm 22%). Tổng số cấp cứu 10.646 bệnh nhân, trong đó trẻ em từ 14 tuổi trở xuống có 1.812 (chiếm 17%). Những thương tổn cơ quan vận động ở trẻ em có những điểm tương đồng với các thương tổn gặp ở người lớn. Nguyên tắc điều trị về cơ bản là giống nhau, nhưng chúng ta không quên một điều: “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại”. Điều chúng ta biết: Trẻ em có những đặc thù riêng, những khác biệt cơ bản so với người lớn.
Chúng tôi biên soạn tài liệu này từ cuốn GUIDE ILLUSTRÉ DES FRACTURES DES MEMBRES DE LENFANT của (PIERRE CHRESTIAN – 1987) để các bạn tham khảo. Tài liệu này mặc dù được P. Chrestian biên soạn từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chúng tôi thấy nội dung của nó vẫn còn nguyên giá trị và có nhiều bổ ích, đặc biệt đối với tình hình và điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Cuốn sách này mong muốn được chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp, đặc biệt những người quan tâm tới việc điều trị gãy xương ở trẻ em, những kiến thức cơ bản để thực hiện mục tiêu: không bao giờ để lại di chứng cho trẻ em, tạo nên một thế giới trẻ em không tật nguyền.
Đặc biệt là những tật nguyền, những bất hạnh các em phải gánh chịu lại “được” tạo nên bởi sự thiếu hiểu biết của thầy thuốc chúng ta.