Giới thiệu Sách - Hồi Ức Người Buôn Tranh - Ambroise Vollard - Bình Book
Thêm cuốn sách giàu kiến thức về nghệ thuật qua góc nhìn của: *** HỒI ỨC CỦA MỘT NHÀ BUÔN TRANH Tác giả: Ambroise Vollard Dịch và giới thiệu: Phạm Minh Quân Nhà phát hành: Song Thuy Book Nhà xuất bản: Nxb Thế giới Năm phát hành: 2021 Kích thước:16x24 cm Số trang: 402
**** Chưa bao giờ lịch sử hội họa lại chứng kiến một bước chuyển ngoạn mục, trong một khoảng thời gian ngắn, như giai đoạn giữa thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ở đó mười năm có thể ví như một thế kỷ. Hội họa, từ lãng mạn, hiện thực và hàn lâm, đã thay đổi cả về kỹ thuật lẫn quan niệm, để mở ra vô vàn bờ bến miên viễn mới – ấn tượng, tượng trưng, lập thể, siêu thực... Có một người đã nghiệm sinh và kể lại những câu chuyện về thời kỳ đặc biệt này, người đó là Ambroise Vollard (1865 – 1939). Hồi ức của một nhà buôn tranh (Souvenirs d'un marchand de tableaux), được Vollard trình làng vào năm 1937, không đơn thuần chỉ là một hồi ký cá nhân, mà còn cho thấy một chuyển đổi lớn thông qua những câu chuyện nhỏ, một bức tranh toàn cảnh về sự vận động hội họa bấy giờ. Bởi, Vollard là người sống, làm việc, giao hảo và tiếp xúc trực tiếp với ít nhất năm trường phái/thế hệ họa sĩ, từ các bậc thầy tiên phong của trường phái Ấn tượng (Manet, Degas, Monet, Renoir, Sisley), các danh họa hậu Ấn tượng (Cézanne, Gauguin, Van Gogh), cho đến các họa sĩ trẻ thuộc nhóm Les Nabis (Bonnard, Vuillard, Roussel, Denis, Maillol), nhóm Dã thú (Derain, Marquet, Matisse, Vlaminck, Dufy, Rouault) và Lập thể (Picasso, Braque). Mối quan hệ của Vollard đối với họ không chỉ thuần túy là giữa nhà buôn và họa sĩ, rất nhiều trong số họ còn trở thành tri kỷ vong niên với ông. Điểm đặc biệt của Hồi ức của một nhà buôn tranh là sự công tâm và chân thành của người viết. Vollard nói rất ít về mình, và càng không có những nhận định hay dở chủ quan (ông cho rằng đó là việc của nhà phê bình!). Song, qua góc nhìn của một nhân chứng khả tín, chân dung các danh họa hiện lên đầy xác thực và sống động, trên nhiều phương diện như quan niệm sáng tác, thái độ lao động nghệ thuật, cá tính, nhân cách, ứng xử với đồng nghiệp. Không phải họ ngay lập tức gặt hái được quả ngọt thành công và danh tiếng như ở thời hiện đại. Cám cảnh chung của các họa sĩ Ấn tượng là không nhận được sự đón nhận tức thời của công chúng trên chính quê hương của mình, tranh không bán được và tất yếu phải sống trong bần hàn nghèo khó. Không những vậy, bi kịch lớn nhất của họ là chỉ khi qua đời thì tranh của họ mới được nhìn nhận đúng giá trị và ráo riết truy tầm. Bên cạnh đó là những thủ đoạn mánh khóe trong giới buôn tranh, những cuộc ganh đua săn lùng tác phẩm đầy ly kỳ. Câu chuyện không dừng lại ở các họa sĩ, giới chơi tranh, buôn tranh và sưu tập. Hơn thế, nó còn được mở rộng ra cả giới văn nghệ sĩ, thượng lưu, nhà báo, chính khách, tài phiệt để tạo nên một bức tranh văn hóa-xã hội Pháp đầu thế kỷ XX không thiếu những khôi hài nực cười, nhưng cũng rất mang zeitgeist (tinh thần thời đại).