Giới thiệu Sách - Minh Thực Lục: Quan Hệ Trung Quốc - Việt Nam Thế Kỷ XIV-XVII (Bộ 3 Tập)
Công ty phát hành: Alpha Books Nhà xuất bản: NXB Hà Nội Tác giả: Phạm Hoàng Quân Loại bìa: Bìa Mềm Số trang: 2848 Năm xuất bản:
Minh Thực Lục là một bộ sử biên niên đồ sộ có độ dày hơn 40.000 trang gồm 3.053 quyển ghi chép về những sự kiện lớn nhỏ gần 300 năm của 13 triều vua nhà Minh – Trung Quốc (1368-1644), trong đó có đến 1.329 văn bản liên quan đến Đại Việt và Chiêm Thành. Khi nghiên cứu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian từ năm 1368 đến năm 1644, nhiều sự kiện, nhiều nhân vật được Minh Thực Lục ghi chép khá cụ thể, thì các bộ sử cũ của Việt Nam như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… lại không chép, hoặc chép quá sơ lược. Với một khối lượng đồ sộ, Minh Thực Lục là một kho tư liệu cơ bản giúp ích rất nhiều cho việc biên soạn và nghiên cứu sử ở Trung Quốc. Trước đây, giới sử học Việt Nam đã từng biết đến nguồn tài liệu Minh Thực Lục và đã trích dịch phần nào để ứng dụng vào việc biên soạn lịch sử nước nhà. Bộ sách « Minh Thực lục: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV-XVII » là phần tuyển dịch các mục nói về quan hệ Việt – Trung thế kỷ XIV – XVII, có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lịch sử Việt Nam. Bộ sách này là một sưu tập sử liệu, tự nó không là một tác phẩm lịch sử mà chỉ là chất liệu, phần nào mang tính cơ bản, nhằm phục vụ cho các sách sử và các công trình nghiên cứu sử. Tập tư liệu này, ngoài mục đích bổ sung cho sử Việt, nó còn khơi gợi những nghiên cứu lâu dài về nhiều lĩnh vực, trong đó có cả việc phải nghiên cứu chính nó, tức nghiên cứu về nội hàm sử liệu Minh Thực lục. Dịch giả Hồ Bạch Thảo là một người có kiến thức lịch sử và Hán học, đã lột tả được chân thực nội dung của nguyên tác chữ Hán. Ngoài ra dịch giả đã dày công hiệu khám, đính chính những chỗ in sai trong nguyên tác và chú thích những điển tích, những sự kiện lịch sử cần thiết. Phần Hiệu đính và chú thích do ông Phạm Hoàng Quân thực hiện, là những thông tin vừa quý vừa công phu, kỹ lưỡng và khoa học làm cho nội dung và chất lượng bản dịch Minh Thực Lục được nâng lên rất nhiều. Cùng với bài khảo cứu với dung lượng hơn 40 trang được viết với tinh thần trách nhiệm khoa học cao sẽ giúp ích rất nhiều cho độc giả, nhất là các độc giả không có chuyên môn sử học, tìm hiểu trước khi tiếp cận với bản dịch. Bộ sách được chia thành 3 tập. Mỗi tập sách đều được chia làm 2 phần: phần trước là bản dịch ra tiếng Việt, phần sau in kèm theo nguyên bản chữ Hán. – Tập I: Chép các sự kiện từ ngày 26 tháng Chạp năm Hồng Vũ thứ nhất (3-2-1369) đến ngày 28 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 11 (25-7-1413). – Tập II: Chép các sự kiện từ ngày 2 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 11 (29-7-1413) đến ngày 20 tháng Chạp năm Tuyên Đức thứ 9 (19-1-1435). – Tập III: Chép các sự kiện từ ngày 9 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 10 (8-3-1435) đến ngày 6 tháng 10 năm Sùng Trinh thứ 13 (18-11-1640). LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO CUỐN SÁCH Khoa học nào cũng coi trọng tư liệu, với khoa học lịch sử thì tư liệu lại là vấn đề tiên quyết, mọi tác phẩm lịch sử đều hình thành trên nền tảng sử liệu và nhà làm sử nào cũng muốn tiếp cận những nguồn tư liệu gốc. Trong các sách sử Việt Nam cổ đại, sử liệu thành văn là thành phần chính, thành phần này từ khởi thủy đã không ngại tiếp thu những di sản trong kho tàng văn hiến Trung Hoa. Sự lưu thông tự nhiên bởi hoàn cảnh địa lý và yếu tố đồng văn khiến các nguồn sử liệu trở thành những giá trị chung. Ngày nay việc khai thác sử liệu từ nguồn sử Trung Quốc vẫn là việc đáng phải làm, vừa để tạo sự phong phú trong nhu cầu tư liệu cho sử Việt, vừa góp phần làm cơ sở khảo cứu một nền văn hóa lớn của nhân loại. Sử ghi chép của Trung Quốc vừa lâu đời vừa liên tục, đó là một đặc điểm ít có trong tổng thể lịch sử thế giới. Sự phát triển về sau để hình thành các thể tài hoặc khuynh hướng sử học đều từ cơ sở hoàn bị của sử liệu; Minh Thực lục mà chúng ta tiếp cận là một đại diện tiêu biểu cho nhiều loại sử liệu thành văn xuất hiện vào giai đoạn thịnh đạt của nền sử học Trung Hoa. Ưu điểm nổi bật của Thực lục nằm ở những văn bản đã sao lục gần như toàn vẹn các chỉ dụ của nhà vua và các báo cáo, kiến nghị của các quan với ngày tháng cụ thể cho từng sự việc cụ thể, một số trong các văn bản này gần với hình thức công báo ngày nay. Các nhà làm sử thuộc mọi thể tài như thông sử, biên niên, kỷ sự v.v.. đều có thể dựa vào nguồn tư liệu Thực lục để sắp xếp thành sách sử. Do nguồn tư liệu tối cơ bản về triều Minh là nguồn Đáng án (Hồ sơ lưu trữ) hiện đã thất tán hư hủy phần lớn trong những biến cố lịch sử, vì vậy Minh Thực lục hiện tồn là một tập hợp sử liệu cơ bản, hệ thống nhất về thời Minh, nơi bảo lưu chủ yếu các tư liệu đầu tiên. Phạm Hoàng Quân