Giới thiệu Sách - Sử ký giáo khoa thư ( Lớp sơ đẳng )
Thông tin chi tiết: Công ty phát hành: Kim Đồng Tác Giả: Nhiều tác giả Số trang: 105 Năm xuất bản: 2021 Khổ sách: 16x24cm Hình thức :bìa mềm NXB: NXB Kim Đồng Giới Thiệu sách: Bộ sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên, Việt Nam tiểu học tùng thư được soạn vào những năm 20 của đầu thế kỉ 20, với những cuốn như Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Sử kí giáo khoa thư, Cách trí giáo khoa thư, Toán pháp giáo khoa thư, Địa dư giáo khoa thư… từ lâu đã trở thành kí ức tốt đẹp của nhiều thế hệ học sinh sinh ra và lớn lên vào giai đoạn này. Bộ sách do Nha học chính Đông Pháp xuất bản với sự tham gia của các soạn giả, nhà giáo dục tên tuổi, “đa số là giáo chức ngạch bậc cao như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc (thanh tra tiểu học), Đặng Đình Phúc (giáo viên hạng nhất ngạch bản xứ), hoặc có địa vị xã hội khá cao (Đỗ Thận, Uỷ viên hội đồng Thành phố) và tất cả đều đã từng viết sách giáo khoa, nhất là Trần Trọng Kim và Đỗ Thận.”(1). Bộ sách ra đời với mục đích dạy chữ Quốc ngữ và các môn khoa học thường thức cho học sinh các lớp Đồng ấu (Cours Enfantin), Dự bị (Cours Préparatoire) và Sơ đẳng (Cours Elémentaire), tương đương với đầu tiểu học ngày nay, từ Bắc vào Nam. Nói về việc biên soạn bộ sách này, học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Cuộc phỏng vấn các nhà văn của nhà phê bình văn học Lê Thanh, đã nói: “Trong thời kì làm thanh tra, vào khoảng năm 1924 và 1926, tôi được cử vào hội đồng làm sách giáo khoa. Non hai năm, mấy người chúng tôi làm xong các bộ sách để cho học sinh các lớp sơ cấp và tiểu học dùng”. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm soạn giả gồm bốn người đã làm một công việc khổng lồ là soạn bộ sách giáo khoa Quốc ngữ đầu tiên, không chỉ riêng một lĩnh vực mà nhiều lĩnh vực (ngôn ngữ, luân lí, khoa học thường thức, lịch sử, địa lí…) Gần một thế kỉ đã trôi qua, được biên soạn dưới thời thực dân nửa phong kiến, không phải nội dung nào của bộ sách này cũng phù hợp với quan điểm giáo dục hiện nay, nhưng nhiều bài học trong Luân lý giáo khoa thư và Quốc văn giáo khoa thư vẫn rất giàu giá trị nhân văn, bảo tồn và kế thừa đạo đức truyền thống của dân tộc, đọng lại rất nhiều ấn tượng và tình cảm đẹp trong lòng người học nhờ tính giáo dục và sư phạm cao, ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với tâm lí trẻ em. Một số bài vẫn được dùng làm ngữ liệu cho một số sách giáo khoa và tài liệu giáo dục sau này. Với các môn học khác như khoa học, lịch sử, địa lí, có thể nói các cuốn Sử kí giáo khoa thư hay Cách trí giáo khoa thư giữ vai trò khai sáng, trang bị kiến thức căn bản và hiện đại về tự nhiên và xã hội cho người học. Dù giáo dục thời nào thì một trong những mục đích của nó cũng là dạy cho con người ta biết cách ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội, biết kính trên nhường dưới, biết yêu cái đẹp, cái thiện, tránh cái ác, cái xấu. Nhìn từ quan điểm đó thì những bài học của Luân lý giáo khoa thư và Quốc văn giáo khoa thư chưa bao giờ cũ; những kiến thức sơ khởi về tự nhiên, xã hội trong Sử kí giáo khoa thư và Cách trí giáo khoa thư vẫn cần thiết và mang tính cập nhật trong bối cảnh xã hội hiện nay.