Tác giả: Tư Mã Thiên Nhà xuất bản: Văn học Số trang: 492 Kích thước: 15.5x23.5 cm Ngày phát hành: 11-2020 Công ty phát hành: Minh Thắng
Được hai năm, Ngô vương định thảo phạt Tề. Tử Tư can rằng: “Chưa được. Thần nghe nói Câu Tiễn ăn không hai món, đồng cam cộng khổ cùng trăm họ. Người này không chết, ắt là mối họa của Ngô. Ngô có nước Việt, như có bệnh trong tim phổi, Tề với Ngô chỉ như ghẻ lở thôi. Xin đại vương bỏ Tề mà đánh Việt trước.” Ngô vương không nghe, bèn đi đánh Tề, đánh bại Tề ở Ngải Lăng, bắt sống Cao Chiêu tử và Quốc Huệ tử nước Tề đưa về. [Ngô vương] trách Tử Tư. Tử Tư nói: “Đại vương chớ vội mừng!” Ngô vương giận, Tử Tư định tự sát, Ngô vương nghe vậy thì ngăn lại. Đại phu nước Việt là Chủng nói: “Thần thấy Ngô vương chấp chính kiêu căng, xin thử sang vay lương thực xem phản ứng thế nào.” Sang xin vay lương, Ngô vương định cho, Tử Tư can đừng cho vay, nhưng Ngô vương vẫn cho vay, Việt bèn mừng thầm. Tử Tư nói rằng: “Đại vương không nghe lời can, ba năm sau nước Ngô sẽ thành gò hoang thôi!”
TÁC GIẢ: Tư Mã Thiên, tên tự là Tử Trường, là tác giả bộ Sử ký, tác phẩm sử mà nhờ nó ông được tôn là Sử thánh, một trong mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc. Ông sinh năm 145 trước Công nguyên, ở Long Môn, nay là huyện Hán Thành, tỉnh Thiểm Tây. Tổ tiên của ông từ đời nhà Chu đã làm thái sử. Cha của ông là Tư Mã Đàm cũng làm chức thái sử lệnh của nhà Hán. Năm 110 trước Công nguyên, cha ông trước khi mất dặn ông nối nghiệp làm sử quan, ông nghe lời mà khóc. Ba năm sau, khi đã mãn tang, Tư Mã Thiên thay cha làm Thái sử lệnh.
Năm 99 trước Công nguyên, do bênh vực Lý Lăng, một võ quan bị thất bại trong trận chiến với Hung Nô, ông bị Hán Vũ Đế khép vào tội khi quân và bị thiến và bị cầm tù do không đủ tiền nộp để chuộc tội. Ra tù, Tư Mã Thiên được làm Trung thư lệnh, một chức quan to, vốn chỉ dành cho hoạn quan, được ở gần vua, được ra vào cung cấm, xem các tài liệu mật. Thỉnh thoảng ông được đi theo vua trong các cuộc tuần du. Không được giữ chức Thái sử nữa, lại luôn cảm thấy nhục nhã vì hình phạt, ông dồn tất cả tâm sức cho bộ Sử ký và hoàn thành tác phẩm vào năm 97 trước Công nguyên (có sách nói là năm 91 trước Công nguyên, lúc ông trên 55 tuổi).
Hiện người ta không biết rõ ông mất năm nào. Theo Vương Quốc Duy trong Thái sử công niên khảo, có lẽ ông mất vào năm 60 tuổi, năm 86 trước Công nguyên, cùng một năm với Hán Vũ đế.