Trầm cảm là một vòng xoáy tiêu cực. Hẳn ai cũng biết cảm giác mắc kẹt trong một vòng xoáy tiêu cực hay vòng xoáy đi xuống là như thế nào. Vòng xoáy tiêu cực xuất hiện là do những sự kiện xảy đến với bạn và những quyết định của bạn đã làm thay đổi hoạt động trong não bộ. Nếu hoạt động trong não bộ thay đổi theo hướng tồi tệ hơn, điều này sẽ lại tiếp tục khiến mọi thứ dần vượt kiểm soát, những thứ vượt kiểm soát đến lượt chúng lại tiếp tục tác động tới não bộ theo hướng tiêu cực... Nhưng sẽ thế nào nếu cuộc đời bạn đi theo chiều hướng xoáy lên thay vì xoáy xuống? Sẽ thế nào nếu bỗng nhiên bạn trở nên sung sức hơn, ngủ ngon hơn, giao lưu với bạn bè nhiều hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn? Thường thì chỉ cần một vài cảm xúc tích cực để khởi động quá trình này, và rồi nó sẽ thúc đẩy những thay đổi tích cực trong các lĩnh vực khác của cuộc sống – đây chính là vòng xoáy tích cực hay vòng xoáy đi lên, và hiệu quả ưu việt của nó đã được chứng minh nhiều lần, trong hàng trăm nghiên cứu khoa học. Bất kỳ thay đổi nhỏ nào cũng có thể là cú huých cần thiết cho não bộ để bắt đầu vòng xoáy đi lên. Cuốn sách này đưa ra những thay đổi cụ thể trong cuộc sống, từ đó dẫn đến những thay đổi trong hoạt động của mạch não để đảo ngược chiều hướng trầm cảm. Bước đầu tiên là rất quan trọng. Hãy vận dụng và bạn sẽ dần thấy được ích lợi của những thay đổi này nhé.
Trích đoạn sách BỆNH TRẦM CẢM LÀ GÌ? Có cả tin vui và tin buồn. Tin buồn là chúng ta không biết chính xác bệnh trầm cảm là gì. Đúng là chúng ta biết các triệu chứng và những vùng não cũng như hóa chất thần kinh nào có liên quan, và chúng ta biết rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Nhưng chúng ta không hiểu rõ về trầm cảm như hiểu các rối loạn não bộ khác, như Parkinson hoặc Alzheimer. Ví dụ, đối với bệnh Parkinson, chúng ta có thể chỉ ra chính xác nguyên nhân là do mất một lượng nơ-ron dopamine nhất định. Đối với bệnh Alzheimer, chúng ta có thể chỉ ra nguyên nhân là do một số protein cụ thể. Nhưng những nguyên nhân về thần kinh của bệnh trầm cảm thì phức tạp hơn nhiều. Trong khi hầu hết các bệnh khác được định nghĩa theo nguyên nhân gây bệnh (như ung thư, xơ gan), rối loạn trầm cảm đang được định nghĩa theo một loạt các triệu chứng. Hầu hết thời gian, bạn cảm thấy tồi tệ. Chẳng có gì thú vị và mọi thứ đều có vẻ khiến bạn quá tải. Bạn gặp vấn đề về giấc ngủ. Bạn thấy tội lỗi, lo lắng, thậm chí thấy cuộc đời này chẳng đáng sống. Đây là những dấu hiệu cho thấy não bạn đang mắc kẹt trong vòng xoáy tiêu cực của trầm cảm. Và nếu có đủ triệu chứng thì bạn được chẩn đoán trầm cảm. Không có xét nghiệm hay quét não bộ nào hết; chỉ dựa vào các triệu chứng, vậy thôi. Tin vui là chúng ta có đủ kiến thức về bệnh trầm cảm để giúp bạn hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra trong não bộ cũng như cách cải thiện. Ở các phần sau, bạn sẽ thấy việc tập thể dục, ngủ điều độ, vận động cơ hay kể cả là tỏ thái độ biết ơn cũng đều tác động đến hoạt động thần kinh, nhờ đó đảo ngược quá trình trầm cảm. Thực tế là bạn có được chẩn đoán trầm cảm hay không không quan trọng. Dù bạn chỉ đang lo lắng một chút hay hoàn toàn bấn loạn, những nguyên lý khoa học thần kinh này đều giúp ích cho bạn.
Về tác giả Alex Korb là nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu về não bộ. Ông có bằng tiến sĩ về thần kinh học tại Đại học California, Los Angeles, nơi ông viết nhiều bài báo khoa học về trầm cảm. Ngoài nghiên cứu ông còn là cố vấn khoa học trong ngành công nghệ sinh học và dược phẩm. Ông có nhiều kinh nghiệm tập Yoga và thực hành chánh niệm, rèn luyện thể lực. Ngoài ra, ông còn là một nghệ sĩ hài độc thoại.
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!