“Cầm, kì, thi, họa” là những thú vui tao nhã của các bậc hiền triết xưa. Trong 3 thú vui đó, chỉ riêng cờ là làm người ta nhất định phải phân thắng bại, có thể khiến người ta cay cú khi thua và vui mừng khi chiến thắng. Đặc biệt, ở Nhật, cờ shougi là loại phổ biến từ xưa đến nay. Với lối chơi độc đáo và luật có- một – không- hai, shougi thực sự đã hút rất nhiều sự quan tâm của tất cả mọi người Nhật ở mọi lứa tuổi. Cách chơi shougi về cơ bản cũng giống với cờ tướng, tuy nhiên vẫn có vài điểm khác biệt. Mỗi người chơi có một bộ quân gồm 20 quân kích cỡ gần giống nhau, bao gồm: 1 Vua, 1 Xe, 1 Giác, 2 Kim, 2 Ngân, 2 Mã, 2 Hương xa và 9 Tốt. Quân của 2 người chơi không khác nhau về màu sắc, thay vì vậy mỗi quân có hình dạng như mũi tên và hướng về phía trước, đối diện với đối phương. Nhìn hướng của quân sẽ biết quân đó thuộc bên nào. Cách đi của các quân cờ như sau: - Vua có thể đi một ô theo mọi hướng. - Kim đi được một ô theo hình dấu cộng và 2 ô chéo phía trước. - Ngân đi được một ô theo hình dấu nhân và 1 ô thẳng phía trước. - Giác có thể đi bốn hướng đường chéo cho đến khi gặp một quân cản. - Xe có thể đi ngang dọc tùy ý cho đến khi gặp 1 quân cản. - Mã nhảy theo hình chữ L dọc về phía trước (chỉ có 2 hướng đi), có thể nhảy qua các quân khác. - Hương xa chỉ có thể tiến tùy ý theo hàng dọc trước khi gặp 1 quân cản. - Tốt chỉ đi thẳng 1 ô về phía trước. Đặc biệt, các quân Tốt, Hương xa, Mã, Xe, Giác, Ngân khi đến hàng thứ 3 bên đối phương thì sẽ được phong cấp thành Kim, tức là các quân đó sẽ đi như quân Kim. Còn Xe và Giác thì phong cấp thành Rồng: giữ cách đi cũ và thêm cách đi của Vua. Trong shougi thì các quân đi như thế nào thì ăn như thế. Các quân bị ăn có thể được thả lại vào trong bàn cờ như là một quân của người đã bắt nó. Khi đến lượt, thay vì đi quân hiện có trên bàn cờ, người chơi có thể đưa một quân bị bắt từ trước và đặt chúng (dưới dạng chưa phong cấp) ở bất kỳ ô nào còn trống. Quân được thả, kể từ đó, trở thành một quân của người chơi đó. Đây cũng là một luật độc đáo của shougi: thả quân. Khi một kỳ thủ đi một nước dọa bắt Vua đối phương ở nước đi tiếp theo, nước đi đó gọi là nước "chiếu”. Nếu một Vua đang bị chiếu và không có nước đi hợp lệ nào để thoát khỏi thì nước chiếu đó được gọi là "chiếu hết" và người chiếu hết thắng ván cờ. Cảm giác khi chơi shougi rất mới lạ. Ban đầu bạn sẽ phải vắt hết chất xám để có thể nhớ hết mặt các quân cờ. Nhớ được quân cờ, còn phải nhớ về “phong cấp” của nó và hướng đi. Nhất là cách đi của Kim và Ngân rất dễ gây nhầm lẫn vì thực chất 2 quân đó đi trái ngược nhau. Sau giai đoạn thử thách trí nhớ đó, chơi thử vài ván thì bạn sẽ chợt nhận ra mình bị cuốn vào shougi lúc nào không hay. “Thế cờ vậy vì mình biết đi thế nào?”, “Sao đối phương lại đi như vậy?”,... Bạn sẽ phải suy tính mọi khả năng cùng đường đi nước bước của đối thủ, thậm chí còn phải để ý cả tù binh vì shougi còn có luật “thả quân”. Trông có vẻ dễ đấy, nhưng chỉ cần một phút lơ đễnh là bạn cầm chắc chiến bại. #boardgame #coshogi #shogi