Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung Pháp - Bìa Cứng

VIỆT NAM VÀ CUỘC CHIẾN TRUNG - PHÁPNguyên tác bằng tiếng Hoa, xuất bản tại Đài Loan năm 1996, là một biên khảo về cuộc tranh chấp Trung - Pháp vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhưng lại có liên q...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung Pháp - Bìa Cứng

VIỆT NAM VÀ CUỘC CHIẾN TRUNG - PHÁP

Nguyên tác bằng tiếng Hoa, xuất bản tại Đài Loan năm 1996, là một biên khảo về cuộc tranh chấp Trung - Pháp vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhưng lại có liên quan mật thiết đến lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn. Dịch giả Nguyễn Duy Chính đã mất 2 năm để dịch 越南與中法戰爭 sang tiếng Việt và chuyển giao bản dịch.

MỤC LỤC:

Chương 1: Diễn tiến quan hệ Trung Hoa và Việt Nam
Chương 2: Người Pháp bắt đầu đến Việt Nam
Chương 3: Quan hệ Trung Hoa - Pháp và Việt Nam sau năm 1874
Chương 4: Diễn biến chính sách của Pháp đối với Việt Nam
Chương 5: Henri Riviere dùng binh tại Bắc kỳ và hậu quả
Chương 6: Frederic Albert Bouree bị triệu hồi và Arthur Tricou sang Trung Hoa
Chương 7: Nước trung lập và nguy cơ Trung - Pháp
Chương 8: Fournier và hiệp ước Thiên Tân
Chương 9: Sự kiện Bắc Lệ
Chương 10: Nước Pháp cắt đứt giao thiệp và dụng binh
Chương 11: Nước đứng ngoài tìm cách hòa giải
Chương 12: Bất tuyên nhi chiến
Chương 13: Hòa bình
Tài liệu tham khảo
Phụ lục

1. THAM VỌNG CỦA TRUNG HOA 

Khi người Pháp đánh Bắc Kỳ, những trận đánh giữa Pháp và quân triều đình, quân Cờ Đen và quân Tàu đã không vẽ ra được một khung cảnh rõ rệt. Hầu như ít ai tìm hiểu tại sao lại có mặt của nhiều thế lực trên cùng một địa bàn và hậu quả thế nào đối với vận mệnh đất nước. Trước đây, lịch sử ít khi đề cập đến những trao đổi hậu trường giữa Pháp và Trung Hoa để phân chia quyền lợi của họ trên đất nước Việt Nam. Nghiên cứu của Long Chương đã mở ra một hướng nhìn khác hẳn và cho chúng ta thấy trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, vận mệnh của đất nước mình không phải được quyết định ở Hà Nội, Huế hay Saigon mà ở những nơi xa xôi như Paris, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải … Những tranh biện ngoại giao, những nhượng bộ thương mại đưa đến nhiều khu vực biên giới được giữ lại cho nước ta hay thuộc về lãnh thổ của Tàu. Những thương thuyết đó triều đình Huế không được tham dự đã đành mà có khi còn không biết đến, cũng chẳng thấy đề cập đến trong quốc sử.

Trong quá trình đó, Hòa ước Giáp Tuất 1874 là bản lề quan trọng nhất của người Pháp vì triều đình Huế phải nhường 6 tỉnh Nam Kỳ, “ba tỉnh lại chầu ba” như cụ Phan Thanh Giản đã than thở. Hiệp ước này đúng ra chỉ xác định một việc đã có sẵn vì Nam Kỳ đã mất từ 6 năm trước (1868) khi Phan Thanh Giản qua đời.

Tuy Hòa ước Giáp Tuất không mấy nổi trội nhưng chính từ những điều kiện của hiệp ước này đã đưa đến nhiều vấn đề. Quan trọng nhất, người Pháp phủ nhận cái quyền tông chủ của nhà Thanh đối với Việt Nam mà họ vốn chỉ coi là nghi thức ngoại giao, triều cống phương vật để biểu lộ sự phục tòng chứ không phải là một thuộc quốc theo nghĩa hành chánh.

Thế nhưng, một mặt do lòng tham của Trung Hoa muốn giải thích sao cho có lợi, đồng thời tạo một lý do chính đáng để đem quân can thiệp vào nước ta. Cũng chính từ lối giải thích mập mờ của quyền tông phiên [mà nhà Thanh cho rằng cũng không khác gì quyền bảo bộ của người Pháp], cộng thêm sự cầu viện ngầm của triều đình Huế, lấy tiếng là tiễu phỉ, để nhờ người Tàu sang đối đầu với người Pháp ở Bắc Kỳ. Kể từ đó, việc chống Pháp ở miền bắc do quân Thanh và quân Cờ Đen là chính, còn quân của chính triều đình Tự Đức thì lại xuống hàng thứ yếu, đưa đến những thất bại nhanh chóng khi một lực lượng nhỏ của Pháp cũng lấy được nhiều tỉnh trong vùng tam giác châu miền bắc, kể cả cố đô là Hà Nội. Hai vị lão thần Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu chỉ biết lấy thân đền nợ nước để tránh nỗi nhục bị xử án như Phan Thanh Giản ở trong nam.

Có lẽ, đúng như Phan Khoang nhận xét, sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế không ý thức được sự yếu kém của mình mà tự lực canh tân, ngược lại còn đi sâu thêm vào việc tự cô lập, theo kiểu tự chui đầu xuống cát. Tác giả Phan Khoang viết:

“… Trong hoà-ước Giáp-tuất, hai khoản thứ ba, thứ tư biếu ta một số tầu, súng, và cấp ta người huấn-luyện quân-sự, kỹ-sư để giúp việc và bầy dậy cho, nếu vua quan ta biết khéo lợi dụng cơ-hội ấy thì có lẽ nước ta cũng đã tiến được một bước trên đường văn minh mới, ngặt vì tinh-thần bài Pháp quá hăng, chưa thấy rõ giá-trị của văn-minh mới, nhất định không chịu bắt chước gì của kẻ địch bầy dạy, nên hoà-ước ký rồi thì Triều-đình bỏ vào tủ, rồi trong mọi việc, đường lối nghìn xưa thế nào thì nay cứ tiếp theo thế mà làm, không chịu tự-tu, tự-chỉnh, tự-tân, tự-cường, cho nên chẳng bao lâu, mảnh đất Trung, Bắc-Kỳ còn lại cũng sa nốt vào lao-lung ngoại-quốc”.

Chúng ta thấy có hai giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 10 năm (1862 - 1874 và 1874 - 1883) nếu biết canh tân có lẽ cũng đi được những bước dài. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy nên gần như Việt Nam đứng tại chỗ, nếu không nói là đi giật lùi. Trong khoảng 20 năm đó, một khoảng thời gian có thể nói là sinh tử đối với vận mệnh của đất nước, triều đình Huế đã không đánh giá được đúng mức nhu cầu cải cách. Không nói gì đến những cường quốc kỹ nghệ, sự canh tân của nước ta xem ra còn kém xa những quốc gia có cùng hoàn cảnh như mình như Xiêm La, Nhật Bản.

Năm Mậu Thìn (1868) có kỳ thi Hội, đề thi “quân xâm lăng hiện nay càng ngày càng thêm gây hấn, đồn luỹ khắc dân gian, vậy nên đánh hay nên hoà?”.

Vũ Duy Tuân (sau làm ngự sử nên thường gọi là ngự Lạc Tràng) trong bài làm có câu:

朝廷擁百萬之精兵,見義不爲無勇也.(Triều đình ủng bách vạn chi tinh binh, kiến nghĩa bất vi vô dũng dã: Triều đình sẵn hàng trăm vạn quân tinh nhuệ, thấy việc nghĩa không làm thì không phải là dũng vậy).

Vua Tự Đức châu phê vào bên câu này: "(今日請戰,明日請戰,戰而不勝,將置朕於何地. (Kim nhật thỉnh chiến, minh nhật thỉnh chiến, chiến nhi bất thắng, tương trí trẫm ư hà địa?: Hôm nay xin đánh, ngày mai xin đánh, đánh mà không thắng thì để trẫm ở chỗ nào?”.

Một trong những vướng mắc của Việt Nam là nước ta là phiên thuộc của Trung Hoa, mỗi lần thay đổi triều đại, thay đổi ngôi vua thì đều phải có khâm sứ Trung Hoa sang làm lễ thì mới “chính danh định phận”. Mặc dù quyền nội trị, ngoại giao của nước ta vẫn độc lập, có nước nào đến thông hiếu, giao thiệp triều đình Việt Nam đều được tự quyết không phải hỏi ai nhưng khi phải đối phó với sự xâm lăng của người Pháp, vua Tự Đức đã không còn giữ được sự độc lập – dù chỉ là hình thức - mà lại đi theo vết xe đổ của các triều đại trước khi thấy ngai vàng và vương quyền của mình bị đe doạ. Đó là cho người sang cầu viện Trung Hoa.

Thế nhưng triều đình Huế không biết rằng chính Trung Hoa cũng đang gặp nhiều khó khăn về cải cách. Mọi cơ cấu của Thanh đình đều giữ nguyên như cũ, một số cải cách và vận động chưa đi đến đâu. Đứng đầu triều đình là một “đại hoàng đế” còn rất trẻ. Vua Quang Tự lên ngôi năm 1875 khi mới có 3 tuổi, quyền hành nằm trong tay thái hậu Từ Hi. Thế nhưng đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch đang ở ngôi thiên tử và người đàn bà goá kia lại là chỗ cho nước ta bám víu. Điều khoản thứ 2 Hòa ước Giáp Tuất (1874) có ghi:

Đức Giám quốc nước Pháp nhận quyền độc lập của vua nước Nam không phải thần phục nước nào, và hứa khi nào vua nước Nam cần, sẽ giúp đỡ cho để đánh dẹp mà giữ cuộc trị an trong nước, chống với nước ngoài đến xâm lăng và phá tan bọn cướp bóc đương khuấy nhiễu ở một phần bờ biển nước Nam.

Thế nhưng nước ta lại không muốn áp dụng điều khoản này nên vẫn tiếp tục triều cống nhà Thanh theo lệ 2 năm một lần, 4 năm hai lần gộp một.

Để hiện thực hoá cái liên hệ vốn chỉ trên hình thức, nhân dịp có mấy vạn quân đóng trên đất nước ta, nhà Thanh đòi chia đôi để mỗi bên “bảo hộ” một nửa, lấy Quảng Trị làm ranh giới, rồi rút dần lên để trả giá với người Pháp rồi sau cùng đòi hỏi sáp nhập một nửa miền bắc Việt Nam vào thành một khu vực thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Những chi tiết đó không bao giờ được nhắc đến trong lịch sử nước ta vì là những mặc cả ở Paris, ở Thiên Tân, ở Bắc Kinh mà người Việt Nam không hề được biết đến.

Mỗi khi Trung Hoa can thiệp vào nội bộ nước ta, thường là lấy một cái cớ chính đáng thông dụng nhất là bảo vệ một triều đại vốn được công nhận nay đang thất thế. Việc can thiệp đó luôn luôn bị bắt buộc phải trả công cho họ, thường là tự nguyện dâng cho một số đất ở biên giới mà chúng ta đã thấy từ triều Hồ, triều Lê-Mạc, đến triều đại cuối cùng là triều Nguyễn. Việc chiếm đất của nước ta bao giờ cũng được nguỵ trang bằng một sự đồng thuận, tình nguyện, có khi nhân danh trả lại một khu vực nhưng thực ra là chiếm đoạt, là những nỗi hận không bao giờ quên.

Riêng lần này, Trung Hoa đòi phân chia nước ta một cách trắng trợn, một phần của Pháp, một phần cho họ. Từ những đòi hỏi phi lý như lấy sông Hồng làm ranh giới, họ rút về phía bắc nhưng vẫn còn rất rộng. Nếu người Pháp không quyết tâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa - hay ít ra cũng là một xứ bảo hộ Đông Dương thuộc Pháp - thì có lẽ giang sơn của chúng ta ngày nay không còn được như bây giờ, mặc dù cuối cùng cũng mất nhiều nơi giàu khoáng sản qua mấy lần vẽ lại biên giới mà chính triều đình Việt Nam không bao giờ được tham dự, hay không bao giờ lên tiếng vì còn vướng bận trong những vấn đề nội trị (những địa điểm hình sao là đất bị nhà Thanh lấn chiếm).

1.1. Khu vực ở Bắc Kỳ Trung Hoa tranh đoạt với Pháp
Ngay từ 1870, trước khi ký Hòa ước Giáp Tuất thì miền bắc nước ta đã có những lực lượng đông đảo quân Thanh đóng rải rác ở nhiều tỉnh phía bắc sông Hồng. Theo Đại Nam thực lục (quyển XLIII) thì:

“… Trước đấy, toán giặc nước Thanh là Ngô Côn (có tên là Á Chung) trốn sang Cao, Lạng quấy nhiễu, nước ta đưa thư cho quan Tuần phủ tỉnh Quảng Tây đệ lên nước Thanh. Đại hoàng đế nước Thanh [lúc này là vua Đồng Trị] bèn sai Đề đốc Phùng Tử Tài coi đem 31 doanh ra ngoài cửa quan cùng đánh (xuất quan hội tiễu)”.

Như thế, việc quân Thanh sang nước ta là do chính triều đình Huế viết thư mời họ. Ba mươi mốt doanh tính ra có đến hàng vạn quân (một doanh quân số khoảng 500 người), còn đông hơn cả đoàn quân của Tôn Sĩ Nghị sang đánh Thăng Long. Xuất quan có nghĩa là ra khỏi Nam Quan, đưa quân sang nước ta. Quân Thanh không dẹp được bọn Cờ Đen, Cờ Vàng nên khi quân Pháp ra Bắc Kỳ, triều đình Huế đành phải dùng đám phỉ đó như những lực lượng đánh thuê, phong quan tước và trả lương để họ đánh Pháp. Những chiến công giết được Garnier, Rivière sau này cũng là của quân Cờ Đen, chứ lực lượng của Việt Nam không làm được. Từ đó trở đi quân Thanh qua lại biên giới nước ta không cần phải thông báo, quân lính sinh sống không khác gì dân bản xứ.

Việc nhà Thanh điều động lực lượng sang nước ta hoàn toàn vượt khỏi sự quyết định của triều đình Huế, cũng không biết họ có thông báo cho nước ta không nữa [chắc là không] vì tuỳ theo nhu cầu mà họ đưa sang nhiều hay ít, không khác gì một tỉnh của họ. Theo Long Chương thì tháng 10 năm 1883 (tháng Chín, Quang Tự 9), Quế quân ở Bắc Kỳ tăng thêm 22 doanh nữa, quân sĩ tổng cộng lên tới 15000 người. Quế quân nhận lệnh chặn giữ Bắc Ninh, Lạng Sơn. Đến đầu năm 1884, quân số Trung Hoa ở Bắc Kỳ ước chừng 27000 người.

Nếu tính thêm cả vài nghìn quân Cờ Đen, số lượng quân Tàu ở thường trực trên đất nước ta lên đến 3 vạn người, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của một tổng đốc (Sầm Dục Anh), một tuần phủ (Từ Diên Húc), 1 đề đốc, 2 tổng binh.

Tuy nhiên, người Pháp không dễ bị mắc lừa nên đã đưa thêm viện binh quyết tâm thi hành cái giao ước mà nhà Thanh ký ở Thiên Tân là họ phải rút quân về ngoài biên giới.

1.2. Tham vọng của Trung Hoa 

Tính đến năm 1883, quân Tàu đã chiếm đóng mấy tỉnh phía bắc trong gần một thập niên, ban đầu do lời yêu cầu của triều đình Huế. Số quân Thanh đóng ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hoá, Bắc Ninh, Sơn Tây lên đến mấy vạn người. Ngoài ra còn những đám thổ phỉ võ trang hùng cứ một phương như bọn Cờ Đen (Lưu Vĩnh Phúc), Cờ Vàng (Hoàng Sùng Anh), Cờ Trắng (Bàn Văn Nhị) từ miền nam Trung Hoa chạy sang.

Trong khoảng gần ½ thế kỷ, Trung Hoa bị liệt cường o ép phải ký nhiều Hòa ước bất bình đẳng. Những nỗi “quốc nhục” đó cũng dấy lên một số cải cách nhất là sau khi nhờ canh tân quân sự và có sự giúp đỡ từ Tây phương, nhà Thanh đã đạt được một số tiến bộ quân sự. Nhiều cánh quân được huấn luyện, trang bị theo lối Tây phương như Tương quân (quân của Tăng Quốc Phiên), Hoài quân (quân của Lý Hồng Chương), Tuỵ quân (quân của Phùng Tử Tài)… Nhà Thanh cũng mua nhiều khí giới mới, thuê sĩ quan Tây phương huấn luyện quân đội, thuê đóng tàu, mở công xưởng và cũng tự hào về thành quả của họ nên nhiều tướng lãnh cũng muốn có dịp thử sức để cho thế giới biết rằng nhà Thanh nay không còn bạc nhược như 50 năm trước. Cũng vì thế, không ít tướng lãnh Trung Hoa muốn dùng miền bắc nước ta như một vùng để thử sức và khi quân Cờ Đen giết được Francis Garnier và Henri Rivière thì báo chí Trung Hoa đã làm ầm lên như một chiến công rửa mặt cho nỗi bại nhục của nước Tàu.

Vai trò và sinh mệnh Việt Nam ở trong tay Từ Hi, Lý Hồng Chương, Tăng Kỷ Trạch, Phùng Tử Tài và những vương công đại thần trong Tổng Lý Nha Môn. Việc triều đình Việt Nam nhờ người Tàu sang đánh Pháp là một kế sách rất tệ vì quân Tàu luôn luôn nhũng nhiễu, đòi hỏi cung ứng mà miền Bắc thì nghèo khổ nên dân chúng ta thán rất nhiều. Mà không phải chỉ vài tuần, vài tháng mà họ ở nhiều tỉnh trong 10 năm trời, nhiều người đã sinh cơ lập nghiệp, lấy vợ người nước Nam, đến khi phải thi hành điều ước Thiên Tân rút về bên kia biên giới thì gồng gánh, lếch thếch rất bệ rạc. Ông Ích Khiêm, một đại thần phải làm bài thơ như sau:

“Áo chúa cơm vua đã bấy lâu,
Đến khi có giặc phải thuê Tàu!Ư
Từng phen võng giá mau chân nhẩy,
Đến bước chông gai thấy mặt đâu?
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp,
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu.
Ai ôi hãy chống trời Nam lại,
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu”.
Phải cạo đầu … và để răng trắng như hạt bầu … theo tục và theo lệnh Mãn Thanh.

2. KHÓ KHĂN KHI PHIÊN DỊCH 

Việc chuyển ngữ từ một văn bản ngoại quốc sang tiếng Việt không bao giờ dễ dàng. Tuy Việt Nam và Trung Hoa có cơ sở đồng văn nhưng trong khoảng 150 năm qua, chúng ta đã đi theo một hướng mới không chỉ dùng văn tự Trung Hoa như trước đây.

Người Việt đã quen với văn pháp Âu Tây - do ảnh hưởng từ tiếng Pháp và gần đây tiếng Anh - nên chúng ta viết tương đối mạch lạc, tránh câu dài hay những câu “bông bênh” và nhất là phân biệt rõ các cách ngắt câu, dấu chấm, phảy … để người đọc nhận biết các ý chính, ý phụ mà không phải tiếp nhận nhiều chi tiết cùng một lúc. Tác giả Long Chương - dù là một học giả và nhân vật ngoại giao chuyên nghiệp - nhưng văn cách của ông vẫn còn ảnh hưởng Trung Hoa, dùng chấm, phảy lẫn lộn. Nhiều đoạn ông không xuống dòng khi ý tưởng cũ đã chấm dứt khiến việc theo dõi khó khăn nên nhiều khi người dịch phải tìm cách ngắt câu và sắp xếp lại cho mạch lạc.

Tác giả cũng không quan tâm đến vấn đề thời gian nên nhiều diễn tiến không chặt chẽ theo thứ tự, có lẽ vì ông không muốn bỏ phí những chi tiết trong khi tìm kiếm tài liệu. Chính vì thế, nhiều chú thích rất dài dẫn nhiều nguồn khác nhau, có lợi cho người muốn khảo sát tài liệu gốc được nhắc đến nhưng cũng khó cho người đọc sách khi theo dõi sự việc.

2.1. Việc dịch tên theo âm không trùng với nhau
Việc dịch thuật gặp nhiều khó khăn nhất là tên người, tên đất thường dựa theo cách đọc rồi phiên âm sang tiếng Trung Hoa nhưng không phải lúc nào cũng thuần nhất. Trong vài chục năm qua, người Trung Hoa có nhiều cách đọc, cách phiên âm theo kiểu lục địa, kiểu Đài Loan nên việc truy tìm những tên gốc không dễ dàng. Việc đọc và chuyển âm này theo cách đọc của người Trung Hoa, còn người Đài Loan đọc theo cách bính âm, trong khi người Việt chúng ta vẫn theo cách đọc Hán Việt. Ngoài cách phiên âm có khác biệt với sách vở cũ, chính Long Chương cũng không thống nhất, có khi cũng một người mà phiên âm theo nhiều cách khác nhau. Người Trung Hoa cũng không có cách viết hoa để chúng ta phân biệt được tên người, tên đất.

Cùng một chữ Von Hatzfeldt là tên họ của ngoại trưởng Đức, chúng ta thấy Long Chương dịch âm thành ba cách khác nhau, Cáp Tư Phỉ Đức (哈兹菲德), Cáp Tư Phí Nhĩ Đặc (哈兹費爾特) và Cáp Tư Phi Nhĩ Đức (哈兹菲爾德). Tên tướng người Pháp Ernest Millot thì có khi ông dịch âm là Mễ Lạc (米樂) nhưng cũng có lúc dịch âm là Mễ Ước (米約).

Chính vì thế, ngoại trừ tên người Trung Hoa hay người Việt chúng tôi đọc theo âm Hán Việt chẳng hạn Lý Hồng Chương, Từ Hi, Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật … còn người ngoại quốc, chủ yếu là Pháp hay Anh thì chúng tôi truy tầm để giữ nguyên tên của họ [ít nhất cũng theo lối viết thông dụng của Anh hay Pháp] chứ không dịch âm như tác giả đã dùng vì rất khó cho người Việt nếu muốn biết ông Ba Đức Nặc (巴德諾) hay Lý Duy Diệp (李維葉) là ai mặc dù những tên Jules Patenôtre và Henri Rivière là những tên khá quen thuộc. Để tiện việc so sánh, chúng tôi có tổng kết thành một danh mục ở cuối sách để nếu cần thì độc giả có thể tìm ra những tên người, tên đất đã được phiên âm như thế nào?

2.2. Quan điểm
Mặc dù tác giả sử dụng hầu như chủ yếu là tài liệu tiên nguyên (primary sources) và cố gắng khách quan khi miêu tả sự việc nhưng đôi chỗ chúng ta vẫn thấy ông thiên về nhà Thanh và biện hộ cho “cái gọi là” quyền tông chủ của Trung Hoa ở nước ta. Thực ra, nếu không có sự can thiệp quyết liệt của người Pháp, nhân cơ hội nước ta suy yếu nhà Thanh sẽ lấn chiếm nhiều tỉnh của Việt Nam mà không bị sự phản kháng tích cực của triều đình Huế. Đọc lại lời tâu của Sầm Dục Anh, tổng đốc Vân Nam, chúng thấy rất rõ ý đồ và tham vọng khi muốn sáp nhập một khu vực lớn vùng tây bắc nước ta vào lãnh thổ của họ.

Sầm Dục Anh tuy không dám phản đối việc Trung Quốc rút quân nhưng chủ trương mở rộng lãnh thổ Trung Quốc về phía nam, y tâu lên: “Đất của mười châu Tam Mãnh, kéo dài hơn 500 dặm, phía bắc tiếp giáp với phủ Lâm An, các huyện Mông Tự, Kiến Thuỷ của tỉnh Điền, vòng qua phía tây, tiếp giáp với Nguyên Giang, Tha Lang, Tư Mao, Phổ Nhĩ biên giới các phủ; còn phía tây nam thì tới tận các xứ Xa Lý, Nam Chưởng, trong đó bao gồm 14 châu, 4 huyện, thật là nơi biên ải quan trọng của Việt Nam, là cửa ngõ của biên giới tỉnh Điền”. “Họ Đèo đời đời giữ đất này, dân chúng ai ai đều ngưỡng vọng, thần đã sai tri huyện Từ Phượng Trì (徐鳳池) đến chiêu dụ”. “Còn đất Điện Biên Phủ thì tri phủ là Đèo Văn Xanh (刁文撐) đã theo lệnh mà hưởng ứng, sai con là tri châu Lai Châu Đèo Văn Trì (刁文持), tri châu Luân Châu Đèo Văn Thao (刁文操), tri châu Mai Châu Đèo Văn Bão (刁文抱) mang theo vài trăm người, đến đây đầu phục”.

Sầm Dục Anh xin được cấp cho họ chức vụ tuyên phủ thổ ti “nếu được ân chuẩn thì lãnh thổ ở ngoài biên thuộc về bản đồ sẽ rất rộng lớn mà cửa ngõ tỉnh Điền nay thêm kiên cố”.

Tuy không phải vì thiện chí muốn giữ nước cho mình nhưng nếu không có sự hi sinh của đoàn quân viễn chinh Pháp, miền bắc Việt Nam có lẽ không còn được như ngày nay.

2.3. Âm Dương Lịch
Như thông lệ, ngày tháng viết số, chẳng hạn 1-3-1884 (ngày 1 tháng 3 [March, Mars] năm 1884 tức là ngày dương lịch, còn nếu viết ngày 1 tháng Ba thì đó là ngày âm lịch. Các tháng âm lịch viết nguyên chữ Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười, Một, Chạp.

Trong nguyên tác, Long Chương chỉ dùng niên hiệu của Trung Hoa nhưng khi phiên dịch, những thời kỳ hay năm nào liên quan đến lịch sử Việt Nam, chúng tôi tự ý đổi thành niên hiệu của vua Việt Nam cho độc giả dễ theo dõi.

Nguyên tác vốn không có hình ảnh (ngoại trừ một tấm hình Tăng Kỷ Trạch ở đầu sách) nên những hình ảnh thêm vào là do người dịch tự ý thêm vào trích từ nhiều nguồn sách vở một số được liệt kê dưới đây:

Bennet, Terry. Early Photography in Vietnam. Folkstone, Renaissance Books, 2020.
Buttinger, Joseph. The Smaller Dragon, A Political History of Vietnam. New York: Frederick A. Praeger, 1958.
Chu, Thành Như (朱诚如) chủ biên. Thanh Sử Đồ Điển (清史图典): Thanh Triều Thông Sử Đồ Lục (清朝通史图录) [12 tập] Bắc Kinh: Tử Cấm Thành xbx, 2002.
Guadalupi, Gianni. China Revealed: The West Encounters the Celestial Empire. Italy: White Star Publishers, 2003.
Le Livre de Paris. Les Grands Dossiers de l’Illustration l’Indochine. Paris, 1995
Loan de Fontbrune, Les premiers photographes au Viêt Nam. France: Riveneuve, 2015
McAleavy, Henry. Black Flags In Vietnam – The Story of a Chinese Intervention. New York: The Macmillan Co. 1968.
Dù đã cố gắng, bản dịch không thể không có những sai sót. Người dịch mong được đón nhận những ý kiến và đề nghị để có thể hoàn bị hơn khi tái bản.

NGUYỄN DUY CHÍNH
(Tháng 6 năm 2021)

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....

Hình ảnh sản phẩm

Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung Pháp - Bìa Cứng
Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung Pháp - Bìa Cứng

Giá XRPC

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhCty Cửu Đức
Loại bìaBìa cứng
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Tổng hợp TP.HCM
SKU2203440728432
Liên kết: Xịt khoáng phục hồi dành cho da mụn Dr. Belmeur Clarifying Soothing Mist 100ml The Face Shop